Công trình nghiên cứu mang tên "Phân tích và đánh giá thực trạng, năng lực và kỹ năng đàm phán tại các doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế". Công trình của Đại học RMIT nhận được sự hỗ trợ từ Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu trong thời gian từ 10/ 2019 - 10/2020, khảo sát 215 cá nhân là doanh nhân khởi nghiệp trên cả nước, tuổi từ 25 trở lên.
Kết quả khảo sát chỉ ra hơn 90% doanh nhân thừa nhận tầm quan trọng của khả năng đàm phán đối với sự thành công của cả cuộc đời kinh doanh nói chung và trong giai đoạn khởi động nói riêng.
Công trình nghiên cứu này cũng cho thấy hầu hết nguyên nhân thất bại được các doanh nhân khởi nghiệp chia sẻ đều liên quan đến khả năng đàm phán của họ, đặc biệt là trong giai đoạn đầu phát triển doanh nghiệp. Có 99% người tham gia khảo sát thể hiện mong muốn được đào tạo về kiến thức và kỹ năng đàm phán chuyên nghiệp.
Ngoài ra, Tiến sĩ Phạm Công Hiệp và Thạc Sĩ Nguyễn Nhật Minh, thành viên của công trình nghiên còn nêu ra một số kỹ năng đàm phán mà doanh nhân khởi nghiệp cần lưu ý, đặc biệt trong quá trình ra mắt một sản phẩm mới đó là: quan tâm đến lợi ích của bản thân sau quá trình đàm phán; quan tâm đến lợi ích của đối tác đàm phán; khả năng thiết lập mối quan hệ với khách hàng; thể hiện cảm xúc cá nhân sao cho phù hợp với hoàn cảnh trong quá trình đàm phán với khách hàng; đánh giá rủi ro liên quan trong quá trình đàm phán; tận dụng các mối quan hệ quen biết với khách hàng trước khi tiến hành đàm phán; xây dựng và khai thác danh tiếng của doanh nghiệp mà họ đã xây dựng được để biến nó thành lợi thế trong quá trình đàm phán.
Chia sẻ về ý nghĩa của công trình nghiên cứu, Tiến sĩ Phạm Công Hiệp cho biết: "Kỹ năng đàm phán có ý nghĩa quan trọng với doanh nhân, đặc biệt với doanh nhân khởi nghiệp. Doanh nhân khởi nghiệp thường xuyên phải giới thiệu sản phẩm mới và thuyết phục khách hàng về giá trị của sản phẩm. Kỹ năng đàm phán được phát triển tốt là cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nhân khởi nghiệp, không chỉ giai đoạn ban đầu mà còn xuyên suốt trong quá trình làm việc của họ".
Với Thạc sĩ Nguyễn Nhật Minh, khi không có kỹ năng đàm phán, doanh nhân dễ gặp một sai sót trong khi thương thảo với khách hàng và đánh mất nhiều cơ hội, tạo ra danh tiếng xấu cho hoạt động kinh doanh của doanh nhân khởi nghiệp.
Sau công trình nghiên cứu trên, Đại học RMIT và Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã phối hợp phát triển ứng dụng di động DOST Training đào tạo kỹ năng đàm phán cho học viên học trực tuyến. Chương trình được tích hợp trên nền tảng di động và điện toán đám mây có thể chạy trên hệ điều hành iOS và Android, giúp người học có thể tiếp thu kiến thức mọi lúc mọi nơi và phù hợp với nhiều trình độ. T
hông qua mô hình đào tạo 4.0 này, RMIT hi vọng mang đến một giải pháp giáo dục chất lượng, không chỉ đảm bảo chất lượng kiến thức, kỹ năng được truyền thụ mà còn cho phép người học tiếp thu kiến thức mọi lúc, mọi nơi, đảm bảo nhu cầu học tập khác nhau của mỗi người.
(Nguồn: Đại học RMIT)