Sau 5 năm có hiệu lực, Luật Luật sư đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng cũng như số lượng luật sư. Tuy nhiên việc có nên để giảng viên luật được hành nghề luật sư hay không vẫn đang gây tranh cãi.
Việc giảng viên luật được phép hành nghề luật sư có lẽ là một bước quan trọng không chỉ trong việc nâng cao chất lượng, số lượng luật sư, hay giúp hệ thống giáo dục, đào tạo luật có hiệu quả, mà còn giúp các giảng viên nâng cao trình độ, tăng thêm thu nhập.
Tranh luận về việc này tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương lo ngại sẽ “chảy máu chất xám” khi ông băn khoăn việc cho phép giảng viên luật hành nghề luật sư sẽ khiến các thầy cô giáo dạy luật rời bỏ các trường đại học ra làm nghề luật sư.
Tuy nhiên chúng ta nên đặt câu hỏi ngược lại, việc không cho phép hành nghề luật sư có phải là nguyên nhân mà các giảng viên ở các trường đào tạo luật bỏ ra hành nghề luật sư hay không?
Khi phải chọn một trong hai, có khi các trường đại học chỉ là nơi các giảng viên trẻ tích lũy kiến thức và khi “đủ lông, đủ cánh”, họ sẽ chọn con đường luật sư? Có lẽ điều này cũng có cơ sở bởi sức hút của mức thu nhập khá cao mà nghề luật sư mang lại.
Ngoài ra, nghề dạy luật có những đặc thù riêng, ngoài kiến thức về lý thuyết, người thầy còn cần phải có kinh nghiệm thực tiễn. Việc được phép hành nghề luật sư sẽ giúp những người thầy mang những kiến thức lý thuyết của mình để thực tiễn kiểm chứng, và đôi khi đó là cách mà họ mới biết được những bất cập của các quy định của pháp luật hiện hành và từ đó có những kiến nghị sửa đổi.
Cũng như sự muôn hình vạn trạng của thực tiễn sẽ giúp người thầy không bị lạc hậu theo những trang giấy trong giáo trình, hay các điều luật. Do vậy, việc mang những vụ án, những tranh chấp mà họ đã tham gia cho sinh viên, hay những chia sẻ về những vấp váp trong việc hành nghề luật sư… sẽ giúp ích rất lớn cho sinh viên làm quen dần với nghề luật sư sau khi ra trường.
Hiện nay, có nhiều giảng viên rời bỏ các trường đại học, cao đẳng vì lương bổng của họ “không đủ sống”, trong số đó cũng không ít là các giảng viên luật.
Việc tháo mở, cho phép hành nghề luật sư đối với giảng viên luật còn giúp họ kiếm thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, cũng như giúp họ tự tin hơn trước sinh viên. Người học sẽ có thêm động lực để trở thành những luật sư nổi tiếng, bào chữa cho những người nghèo… như những người thầy của họ.
Ngoài ra, một số người cho rằng mối quan hệ thầy-trò và khi trở thành luật sư-thẩm phán sẽ không công tâm khi xét xử. Bộ luật tố tụng hình sự quy định thẩm phán phải độc lập và chỉ tuân thủ pháp luật. Ngoài ra khi có các yếu tố cho rằng việc tham gia giải quyết vụ án là thiếu khách quan thì thành phần hội đồng xét xử cũng có thể bị thay thế.
Đại biểu Quốc hội, Phó Chánh án TAND TP.HCM Huỳnh Ngọc Ánh nhấn mạnh: “Để đảm bảo tính độc lập, từ thẩm phán đến kiểm sát viên đều không được phép tham gia công việc hay tổ chức nào khác, luật sư không thể là ngoại lệ”.
Tuy nhiên, việc giảng viên luật hành nghề luật sư, họ cũng sẽ độc lập. Tuy mang trên mình danh “viên chức” hưởng lương phần từ ngân sách nhà nước nhưng các giảng viên không phải là những người có trong tay quyền lực công để có thể chi phối quá trình xét xử.
Nghề dạy học, mối quan hệ phi thương mại, đơn thuần chỉ là “cho chữ”, do vậy cũng khác với những nghề như tư vấn chứng khoán, thương mại, môi giới ký kết hợp đồng… những nghề mà lợi ích liên quan tới lợi ích của nhiều chủ thể. Và nếu như những người hành nghề tư vấn hay môi giới này hành nghề luật sư thì có thể họ không độc lập và đôi khi bị chi phối, không hành nghề vì lợi ích của thân chủ.
Vì thế, việc giảng viên làm luật sư cũng sẽ đảm bảo tính độc lập, vì lợi ích thân chủ của họ. Hơn nữa, ở góc nhìn ngược lại, các luật sư cũng thường xuyên được mời giảng tại các trường đào tạo luật, tại sao các giảng viên luật không được lấn sang sân của luật sư?
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng “không có phiên tòa nào mở ngoài giờ hoặc ban đêm”, giảng viên luật làm luật sư chắc chắn phải bớt xén thời gian giảng dạy, khó tránh tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong” hay một số đại biểu QH chỉ ra rằng nhiều phiên tòa đã chuẩn bị cẩn thận lại bị hoãn vì luật sư không thể có mặt, gây lãng phí và thiệt hại lớn.
Việc tư duy theo cách như vậy có lẽ là chưa hợp lý. Nếu hiểu như vậy, có khác nào “không cho phép buôn bán vì sợ buôn heroin”?. Giả sử, luật sư gửi bản bào chữa tới phiên tòa thì sao? Bởi Bộ luật tố tụng hình sự quy định việc tham gia phiên tòa là quyền của luật sư. Khi đã là quyền thì việc sử dụng hay không là quyền của họ.
Thêm vào đó, giáo dục đại học nên hướng thư viện là trung tâm của người học, sự tự học và nghiên cứu của sinh viên mới là yếu tố quyết định, chứ không phải dựa vào giờ lên lớp.
Người thầy là người hướng dẫn, định hướng, giải đáp thắc mắc khi sinh viên cần. Và do vậy, giảng viên luật cũng như các ngành khác nói chung nên có thời gian nghiên cứu, “tham gia thực tiễn” để nâng cao kiến thức để đáp ứng nhu cầu người học.
Vì vậy, việc cho phép các giảng viên luật hành nghề luật sư sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý và đào tạo luật của nước nhà cũng như giúp các giảng viên luật nâng cao kiến thức, tăng thêm thu nhập.
Một khi pháp luật cho phép giảng viên luật hành nghề luật sư, các trường đại học luật nên tạo mọi điều kiện thuận lợi để các giảng viên tham gia hành nghề luật sư có hiệu quả.
Trần Đức Tuấn