Hiện, chị là giảng viên khoa Công nghệ thông tin tại Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông - Đại học Thái Nguyên, đồng thời, làm chuyên gia định hướng, đào tạo (mentor) của FUNiX. Nữ giảng viên bén duyên với lĩnh vực này từ khi học đại học, bắt nguồn từ niềm đam mê với Toán học. Quyết tâm theo đuổi IT, chị trở thành sinh viên giỏi, được Đại học Thái Nguyên cử đi du học thạc sĩ tại Ba Lan và quay về giảng dạy.

Chị Nguyễn Thị Oanh, giảng viên tại Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông - Đại học Thái Nguyên trở thành một mentor tại FUNiX để hướng dẫn kiến thức cho học viên trực tuyến. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Năm 2020, chị Oanh biết đến mô hình học trực tuyến tại FUNiX qua chia sẻ của đồng nghiệp và đánh giá cao chương trình đào tạo tại đây. Sau đó, chị quyết định phỏng vấn vào vị trí mentor và chính thức tham gia thực sự vào công việc hướng dẫn kiến thức tại trường Mây từ năm 2021.
Trước đó, nữ mentor từng hợp tác, giảng dạy từ xa cho một số cơ sở giáo dục, cũng có video, bài giảng. Tuy nhiên, thời gian phản hồi thắc mắc của sinh viên có thể lên đến 24h. Trong khi đó, tại FUNiX, sự tương tác trực tiếp giữa mentor và học viên giúp giải đáp kịp thời thắc mắc cho người học. "Khi các bạn gặp một vấn đề, tìm kiếm trên internet và tài liệu nhưng vẫn còn khúc mắc, sự giải đáp nhanh chóng của mentor chính là động lực, tăng hứng thú trong khi học", chị nhận định.
Theo nữ giảng viên, với cách giảng dạy tại một số cơ sở đào tạo truyền thống, đa phần học sinh, sinh viên sẽ chỉ đến lớp nghe giảng sau đó, làm bài tập thực hành. Cách học của FUNiX lại ngược lại, học viên tự học, nghiên cứu và hỏi - đáp với mentor khi gặp khúc mắc. Với sự tương tác hai chiều này, học viên chủ động hơn, sẵn sàng trao đổi thay vì hỏi đơn thuần. Bên cạnh đó, các mentor còn được bổ sung về kiến thức, có cơ hội tìm hiểu và nghiên cứu kỹ về nhiều vấn đề mới để hướng dẫn cho các bạn.
Đôi khi, trong quá trình hướng dẫn, mentor Nguyễn Oanh cũng gặp phải những khó khăn, đặc biệt là lúc nhận phản hồi không tốt. Khi đó, chị cảm thấy khá buồn, cả ngày chỉ trăn trở, suy nghĩ xem câu trả lời đã hợp lý chưa, bản thân phải thay đổi như thế nào để mang đến trải nghiệm tốt hơn cho học viên.

Chị Oanh thấy nhiều điều thú vị ở FUNiX sau 8 tháng gắn bó. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chị Oanh cho biết, từ ngày đi học, chị thường kiểm lỗi giúp các bạn cùng lớp. Trong quá trình giảng dạy, chị cũng rất thích trao đổi với sinh viên. Do đó, khi làm việc tại FUNiX, nữ chuyên gia cảm thấy như có một kênh để tương tác với học viên hàng ngày, được giúp đỡ học viên có cùng đam mê như mình. Chị Oanh chia sẻ, nhiều bạn học viên sau khi hoàn thành môn, tìm ra lời giải cho các vấn đề đã liên hệ lại để gửi lời cảm ơn. "Những điều đơn giản như vậy khiến tôi cảm thấy hạnh phúc. Đó chính là niềm vui, nguồn động lực to lớn để tôi gắn bó với công việc mentor", chị nói thêm.
Vốn chỉ quen tiếp xúc với sinh viên, khi đến FUNiX, chị Oanh có thêm trải nghiệm hướng dẫn và giải đáp cho học viên nhỏ tuổi. Với những học viên này, trong quá trình trả lời chị sẽ tìm cách diễn đạt sao cho dễ hiểu, dễ hình dung hơn, nhất là những môn khá trừu tượng hay liên quan đến thuật toán. "Có kiến thức giảng nhiều lần, các bạn vẫn chưa hiểu, bằng kinh nghiệm của một giảng viên, tôi chia nhỏ từng vấn đề, giải quyết từng bước, giúp học viên làm đến đâu hiểu đến đấy", chị kể lại.
Sau nhiều lần gỡ rối các trường hợp khó, chị nhận định, mỗi cá nhân sẽ có một cách tiếp nhận kiến thức và trình độ khác nhau, do đó, vai trò của mentor hướng dẫn càng quan trọng. Trong đó, sự tỉ mỉ, kiên nhẫn là chìa khóa giúp việc hỗ trợ học tập thành công.
Chia sẻ về FUNiX, chị Oanh đánh giá mô hình dạy học tại đây mới mẻ và thú vị, đề cao tính chủ động của người học, phù hợp với học sinh, sinh viên và cả người đã đi làm trong việc nâng cao khả năng, kiến thức chuyên môn. Chị tin rằng ngành công nghệ thông tin đang phát triển rất nhanh và mạnh, len lỏi vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. "Chỉ cần quyết tâm, chắc chắn các bạn sẽ học tập tốt và có cơ hội tốt khi lựa chọn theo lĩnh vực này", chị khuyên học viên.
Minh Tiến