Vụ tranh chấp về lao động, thu hồi quyết định nhắc nhở và buộc xin lỗi giữa ông Nam (nguyên đơn) với ĐH Bách khoa TP HCM vừa được TAND TP HCM xét xử phúc thẩm.
Theo hồ sơ, ông Nam là giảng viên khoa Địa Chất & Dầu khí của trường này. Năm 2022, trong đợt sinh viên bảo vệ luận văn, ông được phân công là Chủ tịch của hội đồng 2 (gồm 3 thành viên).
Ngày 10/1/2022, buổi bảo vệ luận văn diễn ra, hội đồng có 3 trường hợp chấm lệch hơn 2 điểm giữa các thành viên và giáo viên hướng dẫn. Cùng đợt, một hội đồng khác có 2 trường hợp chấm lệch điểm.
Các thành viên hội đồng thống nhất sẽ báo cáo với chủ nhiệm bộ môn trong cuộc họp liên hội đồng sau buổi bảo vệ, để cho ra quyết định cuối cùng (trước khi công bố điểm cho sinh viên). Sau đó, chủ nhiệm bộ môn đã thống nhất giữ nguyên điểm của các thành viên trong hội đồng.
Hơn một tháng sau, Trưởng khoa ký Quyết định kỷ luật số 36 đối với 6 thầy cô trong 2 hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp nói trên, với hình thức kỷ luật "khiển trách" về việc chấm chênh lệch 2 điểm giữa các thành viên hội đồng và giáo viên hướng dẫn, phản biện.
Sau nhiều cuộc họp, ngày 24/8/2022, nhà trường ban hành Quyết định số 3552 nhắc nhở ông Nam cùng một số thành viên hội đồng với lý do "vi phạm về quy trình chấm luận văn tốt nghiệp".
Ông Nam sau nhiều lần khiếu nại về việc không làm sai quy định nhưng không nhận được phản hồi, đã khởi kiện yêu cầu tòa buộc nhà trường hủy Quyết định số 3552 vì "không có cơ sở pháp lý, thiếu công bằng và xúc phạm uy tín, danh dự cá nhân" ông. Ban đầu, ông Nam yêu cầu bị đơn bồi thường 100 triệu đồng, sau đó rút xuống 18 triệu đồng và xin lỗi công khai.
Bị đơn: 'Văn bản nhắc nhở chứ không phải quyết định kỷ luật'
Trình bày với tòa, đại diện nhà trường cho rằng, hội đồng do ông Nam là chủ tịch chưa thực hiện đúng quy trình xử lý chấm luận văn tốt nghiệp trong trường hợp lệch quá 2 điểm giữa các thành viên chấm và người hướng dẫn, phản biện. Lẽ ra, trong trường hợp này thì hội đồng phải hội ý, xem xét để điều chỉnh phù hợp và điểm cuối cùng được quyết định bởi tập thể hội đồng.
Trong đó, khi bỏ phiếu lấy ý kiến thì phiếu của chủ tịch hội đồng có trọng số cao hơn 10% so với các thành viên khác. Tất cả các ý kiến và kết luận cuối cùng phải được ghi vào biên bản hội đồng. Nhưng hội đồng đã giao cho chủ nhiệm bộ môn (không phải thành viên hội đồng) quyết định điểm số sau cùng. Từ đó, nhà trường nhận định hội đồng 2 đã thực hiện chưa đúng quy định về đánh giá học phần tốt nghiệp nên đã tổ chức họp kiểm điểm, đánh giá mức độ vi phạm của các thành viên.
Sau khi thành lập Hội đồng kỷ luật và họp lấy ý kiến, các thành viên quyết định không xử lý kỷ luật ông Nam và các giảng viên trong 2 hội đồng chấm lệch 2 điểm. Hội đồng kỷ luật sau đó họp công bố việc không kỷ luật, rút kinh nghiệm trong việc đánh giá học phần tốt nghiệp và thông báo về việc sẽ có văn bản nhắc nhở, phê bình đối với từng thành viên vi phạm. Trong đó, ông Nam nhận hình thức nhắc nhở.
Ngày 24/8/2022, nhà trường ban hành văn bản nhắc nhở ông Nam với lý do "vi phạm về quy trình chấm luận văn tốt nghiệp", văn bản được ban hành dưới hình thức Quyết định số 3552.
Theo bị đơn, ông Nam đã hiểu sai nội dung trao đổi với hội đồng kỷ luật. Việc hội đồng chấm học phần tốt nghiệp, các thành viên hội đồng chấm lệch điểm nhau là bình thường, cũng có trường hợp lệch quá 2 điểm giữa các thành viên. Tuy nhiên, khi xem xét thấy có trường hợp lệch quá 2 điểm thì phải xử lý theo quy định 2933 của nhà trường. Tức phải hội ý hội đồng, xem xét điều chỉnh phù hợp, bỏ phiếu ý kiến thống nhất, ghi vào biên bản hội đồng. Do đó, có việc ở nhiều hội đồng mặc dù các thành viên chấm lệch hơn 2 điểm nhưng không bị xem xét kỷ luật, chứ không phải giải quyết kỷ luật không công bằng khách quan.
Nhà trường không đồng ý với các yêu cầu của nguyên đơn vì "văn bản nhắc nhở 3552" không phải "quyết định kỷ luật" viên chức, mà chỉ là văn bản dựa trên cơ sở pháp lý và quyền hạn của nhà trường.
Tháng 9/2024, TAND quận 10 xử sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của ông Nam vì cho rằng ĐH Bách Khoa đã ban hành các quyết định đúng quy định của pháp luật.
Ông Nam kháng cáo toàn bộ bản án.
Tòa phúc thẩm: Có thể làm ảnh hưởng đến danh dự uy tín của viên chức
Tại phiên phúc thẩm, nguyên đơn rút yêu cầu buộc nhà trường phải xin lỗi công khai, giữ nguyên yêu cầu hủy quyết định kỷ luật nhắc nhở. Bị đơn giữ nguyên quan điểm.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, tòa phúc thẩm đã chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm, hủy Quyết định số 3552 của Trường ĐH Bách Khoa đối với ông Nam.
Theo HĐXX, việc xử lý kỷ luật viên chức của Trường ĐH Bách Khoa đã vi phạm quy định về thời hạn xử lý kỷ luật viên chức theo khoản 2 Điều 53 Luật Viên chức năm 2010 được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019. Thời hạn xử lý kỷ luật kéo dài tối đa 150 ngày, trong khi đó thời điểm ban hành Quyết định 3552 là 192 ngày.
Về nội dung quyết định, Trường ĐH Bách Khoa xác nhận "không xử lý kỷ luật ông Nam, chỉ ban hành văn bản nhắc nhở" nhưng cách thức ban hành văn bản ghi là "Quyết định" khiến người đọc sẽ hiểu rằng ông Nam bị xử lý kỷ luật bằng hình thức nhắc nhở.
"Việc bị đơn cho rằng Quyết định số 3552 ngày 24/8/2022 là 'văn bản nhắc nhở', không phải 'quyết định xử lý kỷ luật', là mập mờ, không rõ ràng và có thể làm ảnh hưởng đến danh dự uy tín của viên chức bằng văn bản kiểu quyết định này", bản án nêu.
Theo tòa, trong những trường hợp tương tự, trường ĐH Bách Khoa cần ban hành quyết định không xử lý kỷ luật đối với người có hành vi vi phạm bị xem xét xử lý kỷ luật viên chức. Việc nhắc nhở (nếu có) có thể ghi nhận trong quyết định này hoặc được ban hành bằng văn bản riêng.
Hải Duyên