Theo Thông tư 17/2021 ngày 22/6 về xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trình độ đội ngũ giảng viên và nhân lực hỗ trợ được quy định chi tiết hơn.
Giảng viên dạy đại học hoặc đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên, trợ giảng tối thiểu cử nhân. Đội ngũ giảng viên phải có ít nhất một tiến sĩ ngành phù hợp, giữ vai trò chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và năm tiến sĩ chủ trì giảng dạy.
Với chương trình thạc sĩ, giảng viên phải có trình độ tiến sĩ trở lên, trong đó yêu cầu năm người là giảng viên cơ hữu, một giáo sư hoặc phó giáo sư chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo. Các trường cần đảm bảo tỷ lệ tối đa năm học viên trên một người hướng dẫn, đủ giảng viên chuyên môn phù hợp với từng môn, học phần của chương trình.
Nếu đào tạo tiến sĩ, giảng viên phải là giáo sư, phó giáo sư hoặc tiến sĩ có năng lực nghiên cứu tốt. Đội ngũ giảng viên cần ít nhất một giáo sư hoặc hai phó giáo sư cùng ba tiến sĩ ngành phù hợp. Đơn vị giáo dục cần có đủ người hướng dẫn để đảm bảo tỷ lệ tối đa 7 nghiên cứu sinh/giáo sư, 5 nghiên cứu sinh/phó giáo sư và 3 nghiên cứu sinh/tiến sĩ.
Trình độ giảng viên từng được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học năm 2018. Theo đó, giảng viên dạy trình độ đại học là thạc sĩ, trừ trợ giảng; của thạc sĩ và tiến sĩ là tiến sĩ.
Ngoài yêu cầu về trình độ giảng viên và đội ngũ nhân lực hỗ trợ, thông tư mới cũng yêu cầu các trường đảm bảo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thực hành, thí nghiệm, hệ thống học liệu và quản lý hỗ trợ học tập. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường đã tuyển sinh khóa mới và nhập học trước ngày 1/1/2022 thực hiện theo thông tư cũ 07/2015, sau mốc này phải theo thông tư mới.
Thanh Hằng