Gắn bó với nhạc Trịnh từ những ngày còn sinh viên, Giang Trang bước vào cuộc chơi nghiêm túc với nhạc của ông cách đây bốn năm - khi đêm nhạc Lênh đênh phố nhớ diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội. Tiếp đó, lần lượt Hạ huyền 1, Hạ huyền 2, Chiều qua vẫn qua ra mắt khán giả. Sắp tới, vào ngày 17/7, Giang Trang sẽ trở lại với đêm Nguyệt hạ tại chính nơi chị bắt đầu - Trung tâm Văn hóa Pháp.
Giang Trang thừa nhận chị là người được ưu ái đặc biệt của gia đình Trịnh Công Sơn. Em gái cố nhạc sĩ - Trịnh Vĩnh Trinh - từng nhìn nhận Giang Trang là người mang đến giá trị mới cho nhạc Trịnh.
Cuộc chơi mới của Giang Trang vẫn tối giản như chính con đường chị lựa chọn để khai phá nhạc Trịnh. Đêm nhạc chỉ có giọng hát Giang Trang, tiếng guitar của nghệ sĩ Lê Thu và tiếng sáo của Lê Thư Hương. Lê Thu từng cùng Giang Trang đàn hát ở quán Nhạc Tranh tại Hà Nội trong những năm tháng sinh viên trước khi ra nước ngoài sinh sống và biểu diễn, trong khi Lê Thư Hương đã đồng hành cùng tour Hạ huyền 2 tại Hà Nội, Paris, Munich trong năm 2015. Họ kết hợp chơi nhạc bằng cảm xúc, sự đồng điệu tâm hồn. Giang Trang chia sẻ không người nào đệm cho người nào mà cả ba đồng sáng tạo trên sân khấu, khai thác triệt để phần âm nhạc của Trịnh Công Sơn chứ không chỉ bằng giọng hát. Cả ba đều thể hiện họ chơi để tìm vẻ đẹp trong đời sống, chia sẻ với nhau những cảm nhận về nhạc Trịnh chứ không vì điều gì khác.
Đêm nhạc được sắp đặt dưới bàn tay của đạo diễn trẻ 9x - Nguyễn Phi Phi Anh. Phi Anh chia sẻ âm nhạc sẽ được kết nối liền mạch, không có quãng nghỉ suốt 11 bài khiến khán giả không bị ngắt quãng cảm xúc. Không gian sẽ thân thuộc với nhiều người Hà Nội để khi nghe nhạc, họ có thể cảm nhận được hơi thở đời sống một cách tự nhiên nhất, như âm nhạc và ca từ của Trịnh.
Giang Trang từng nói chị đứng trong bóng tối để hát về nhạc Trịnh. Sau nhiều năm, tên tuổi Giang Trang đã ra ngoài ánh sáng. Chị chia sẻ không bị áp lực khán giả mà chỉ có áp lực của bản thân muốn cảm nhận và hiểu nhiều hơn về nhạc Trịnh. Bởi càng hát, Giang Trang càng nhận thấy âm nhạc của ông nói hộ rất nhiều nỗi lòng của con người. Với nhạc Trịnh, chị không dùng bất kỳ kỹ thuật nào mà khai thác giọng nói của một con người, hát nhạc như kể chuyện.
Giang Trang có những đau khổ, góc khuất trong cuộc sống không muốn chia sẻ với người ngoài. Nhưng chị khẳng định nếu nhìn theo cách ung dung tự tại thì những đau khổ đó chẳng là gì. "Như Trịnh Công Sơn, ông luôn nhìn cuộc sống như nó đang là và hướng tới bóng dáng hy vọng. Ông là người luôn cố gắng gạn đục khơi trong để tìm sự nâng đỡ cảm xúc cho con người".