Nhạc sĩ ôn kỷ niệm về một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của mình, tại buổi họp báo giới thiệu concert của chị, sáng 10/1, ở Hà Nội. Thời điểm viết nhạc phẩm, chị mới rời nhóm 5 Dòng Kẻ. Trong một buổi tụ tập bạn bè, Giáng Son gặp Nguyễn Vĩnh Tiến, được anh cho nghe ca khúc Bà tôi. Vì ấn tượng phần lời đẹp, giàu hình ảnh, chị nảy ra ý định sáng tác chung với anh. Giáng Son gửi cho nhà thơ năm giai điệu để anh viết lời.
Tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến nhớ lúc đó anh chưa có tên tuổi, thường cầm guitar hát một số quán rượu nhỏ: "Khi được Giáng Son, lúc ấy đã nổi tiếng, mời hợp tác, tôi vô cùng hào hứng. Chỉ trong một buổi trưa, tại xưởng vẽ ở trường Đại học Kiến trúc, tôi viết xong lời năm ca khúc: Giấc mơ trưa, Chút nắng vàng bay, Trôi trong gương, Nếp ngày, Bóng tối jazz".
Trong đó, bài Giấc mơ trưa được Giáng Son gửi dự thi Bài hát Việt, giúp chị giành giải Nhạc sĩ ấn tượng. "Nhận thưởng 10 triệu đồng, tôi đóng thuế mất một triệu, còn lại gửi anh Nguyễn Vĩnh Tiến một nửa", chị nhớ lại.
Giáng Son không "bán đứt" tác quyền nhạc phẩm cho ca sĩ nào. Khánh Linh là người đầu tiên thể hiện Giấc mơ trưa. Sau đó, Thùy Chi tự tung một bản khác lên mạng, được khán giả yêu thích.
Những năm đầu, nhạc sĩ không có thêm khoản tiền nào từ ca khúc. Hơn 10 năm nay, sau khi ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, chị có mới có thu nhập từ các sáng tác của mình. Giáng Son ước tính bài Giấc mơ trưa mang về cho chị khoảng vài trăm triệu đồng. Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến nói "có lộc" nhờ Giáng Son, bởi luôn được chia một nửa tiền tác quyền.
Concert của nhạc sĩ mang chủ đề Giấc mơ Sol, kết hợp tên bài Giấc mơ trưa, và biến tấu từ tên của chị - Son. Tùng Dương - người gắn bó Giáng Son nhiều năm - cho biết khi nhạc sĩ mời, anh kiên quyết không lấy cát-xê. Ca sĩ đùa: "Mong sau show, chị tích góp được một khoản để lấy chồng". Tùng Dương từng hát nhiều bài của Giáng Son như Thu cạn, Chút nắng vàng bay, Cỏ và mưa. Các nghệ sĩ còn lại gồm Thanh Lam, Hà Trần, Khánh Linh, Thùy Chi, Hoàng Dũng.
Giấc mơ Sol tái hiện chặng đường 40 năm sáng tác của nữ nhạc sĩ, qua nhiều giai đoạn với những phong cách khác nhau. Ở chặng đầu sự nghiệp, Giáng Son nhận mình viết nhạc hồn nhiên, mộc mạc và chịu nhiều ảnh hưởng từ các nhạc sĩ đi trước. Sau đó, chị kết hợp âm nhạc hiện đại với nhiều chất liệu dân gian, cho ra đời nhiều ca khúc nhẹ nhàng, sâu lắng, điển hình là bài Giấc mơ trưa. Ở giai đoạn sau, Giáng Son thể nghiệm nhiều dòng nhạc, trong đó có jazz, với Cỏ và mưa, Thu cạn. Nhạc sĩ cũng giới thiệu một số sáng tác mới, do Thanh Lam và Thùy Chi thể hiện.
Chương trình diễn ra ngày 15/2 tại khu đô thị Park City Hanoi, dự kiến có 2.000 khán giả. Ban đầu, nhạc sĩ muốn làm đêm nhạc trong nhà hát, nhưng êkíp khuyên chị chọn địa điểm mở, tạo không gian lãng mạn. Theo nhà sản xuất, âm nhạc Giáng Son gần gũi thiên nhiên với nhiều hình ảnh cây cối, hoa lá.
Nhạc sĩ tên đầy đủ là Tạ Thị Giáng Son, sinh năm 1975, là con gái út nhạc sĩ Hoàng Kiều và nghệ sĩ chèo Bích Ngọc. Được tiếp xúc nghệ thuật từ nhỏ, Giáng Son sớm bộc lộ năng khiếu ca hát, sáng tác. Năm 1998, chị cùng ca sĩ Lan Hương thành lập ban nhạc Exotica và giành giải Tác giả trẻ xuất sắc tại Liên hoan Ban nhạc sinh viên toàn quốc năm 1999. Cuối năm 1999, Giáng Son và Lan Hương thành lập nhóm nhạc Du Ca, gồm ba thành viên khác là Bảo Lan, Thùy Linh, Hồng Ngọc. Nhóm sau đó đổi tên thành 5 Dòng Kẻ. Năm 2003, 5 Dòng Kẻ phát hành album Em với hầu hết sáng tác của Giáng Son.
Năm 2005, Giáng Son ra mắt ấn phẩm Cỏ và mưa - 30 tình khúc Giáng Son. Chị cũng rời nhóm để tiếp tục công việc giảng dạy. Cùng năm, Giáng Son nổi tiếng hơn sau khi nhận giải Nhạc sĩ ấn tượng tại Bài hát Việt. Năm 2015, chị cộng tác Tùng Dương, Hà Trần, phát hành album Bóng tối Jazz. Năm 2023, nhạc sĩ ra mắt album thứ ba, Sing My Sol.
Bên cạnh sáng tác, chị là giám khảo, huấn luyện viên nhiều chương trình như Sao Mai Điểm hẹn, Sing My Song, Đồ Rê Mí, Giọng hát hay Hà Nội, Tiếng hát Hà Nội.
Nhạc sĩ từng kết hôn với một người Mỹ nhưng sau đó chia tay. Chị cho biết không có ý định cưới lần nữa.
Hà Thu