"Lần đầu tiên đến TP HCM năm 2014, tôi thấy nhiều người Việt không theo đạo nhưng vẫn ăn mừng Giáng sinh, đi chơi nhộn nhịp", Brandon Hurley, người Mỹ đã 8 năm ở Việt Nam, kể.
Ở quê anh những ngày cuối năm này, tuyết trắng phủ đầy đường trong khi ở TP HCM không có mùa đông. "Sự trái ngược của thời tiết khiến tôi thấy khá thú vị. Nhưng Giáng sinh của chúng tôi cũng như Tết của các bạn, rất mong được sum vầy bên gia đình. Xa quê, dù thời tiết nóng bức, tôi vẫn thấy rất cần hơi ấm tình thân", anh nói.
Lễ Noel năm đó, Brandon một mình đến nhà hàng BBQ kiểu Mỹ để tìm cảm giác thân thuộc.
Những Giáng sinh sau, Brandon vẫn đi ăn một mình, nhưng sau đó thay vì về phòng trọ, anh hòa vào dòng người tấp nập trên phố. Brandon hỏi chuyện những người dân TP HCM cách họ đón Giáng sinh, hiểu gì về ý nghĩa của ngày Noel. "Có nhiều bạn trẻ xuống phố đi chơi nhưng không nhớ chính xác Giáng sinh bắt đầu và kết thúc khi nào", anh cười.
Theo cảm nhận của anh, không khí Giáng sinh ở Mỹ và ở Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Các gia đình và đường phố được trang hoàng trước đó cả tháng. Các khu chợ Giáng sinh được phủ màu đỏ của đồ trang trí, màu trắng của tuyết và màu vàng của đèn nhấp nháy. Trẻ con Mỹ từ khi đủ khả năng nhận biết đã được cha mẹ cho xem phim về nguồn gốc của ngày Giáng sinh và biết tất cả các câu chuyện về ngày lễ. "Noel là ngày trẻ con háo hức chờ đợi nhận quà giống như Tết Nguyên đán trẻ được nhận mừng tuổi vậy", anh kể.
Giáng sinh năm nay, Brandon đã là con rể của một gia đình Việt. Anh sẽ cùng người bạn đời bay về Mỹ, đoàn tụ với gia đình trong ngày Giáng sinh.
Fernando Ruiz Bonilla, 44 tuổi, người Colombia đã có 7 năm ở Việt Nam lại chọn cách đón Giáng sinh lặng lẽ hơn. Ba năm gần đây, anh không hòa vào dòng người đông đúc của TP HCM đi chơi trên phố nữa. Anh chia sẻ ngày vui đó với những chú chó, mèo khiếm khuyết ở Việt Nam.
Cũng có cảm nhận giống Brandon, Fernando sống ở khu phố của người nước ngoài nên không khí Giáng sinh rất nhộn nhịp. "Đèn sáng, nhạc vui và không khí chẳng kém quê hương. Nhưng dù sao tôi rất nhớ nhà", người đàn ông gốc Colombia nói.
Điều anh thấy lạ là ở Việt Nam, nhiều gia đình không theo đạo Công giáo nhưng vẫn có người hóa trang ông già Noel đến tặng quà trẻ em. Một số gia đình đưa con vào trung tâm thương mại chơi, không khác gì lễ Giáng sinh ở quê anh.
Một tháng trước Giáng sinh, các gia đình ở Colombia sẽ trang trí nhà cửa từ trong ra ngoài. Khắp nơi được trang trí 3 màu chủ đạo xanh, đỏ, vàng. Mọi người sẽ tụ tập trước vào ngày 16-25/12. Mỗi ngày, gia đình mang thức ăn của mình sang các nhà khác tụ họp.
Trước khi vào bữa tiệc, già trẻ cùng nhau cầu nguyện bài kinh thánh, kể về câu chuyện sinh ra Chúa. Cuối buổi, họ cùng hát Giáng sinh và nhập tiệc, cứ như thế liên tục trong suốt 9 ngày.
Ở Việt Nam, Fernando thường đón Giáng sinh một mình cho đến năm 2019, khi gặp và nên duyên với chị Anh Thư, một bác sĩ đa khoa giàu tình yêu với thú cưng. Vợ chồng họ thành lập trung tâm làm xe lăn, chân giả và hỗ trợ chó mèo bị bạo hành, bị bỏ rơi hoặc khuyết tật.
Kể từ đó, cứ trước Giáng sinh một tháng, chị Thư phụ chồng chuẩn bị quà là quần áo Noel, xe lăn...và tự tay gói quà thật đẹp tặng chó mèo. "Thường tụi mình tặng quà sớm cho mấy bé để kịp bóc quà đúng ngày Giáng sinh. Mùa nào hai vợ chồng cũng tặng khoảng 20 chiếc xe lăn, giá trị là 60 triệu đồng", chị Anh Thư, 30 tuổi, nói.
Giáng sinh năm nay, bị ốm, vợ chồng chị Thư chỉ ở nhà, nhưng vẫn duy trì việc tặng quà thường niên. Trong lúc người vợ sắp xếp quà, Fernando xuống bếp nấu một bữa thịnh soạn. Hai vợ chồng vừa làm việc vừa lắc lư theo lời những bài hát Giáng sinh. Quanh họ, những chú chó, mèo ngoáy tít đuôi. Buổi tối là lúc hai vợ chồng cùng gọi điện chúc sức khỏe và phước lành cho gia đình.
"Năm năm qua, tôi chưa đón Giáng sinh cùng với gia đình. Ước gì tôi có đủ thời gian mua ngay vé về nước, chạy vào nhà ôm ba mẹ cho họ một bất ngờ", người đàn ông Colombia nói.
Cũng có 7 năm sống ở Việt Nam, Giáng sinh là một dịp để Nathan Padayachee, người Nam Phi gốc Ấn tụ tập với những người đồng hương xa quê. Tối 24/12 hàng năm, trong ngôi nhà của một người bạn chung, gần chục người tụ tập nấu những món ăn Ấn Độ truyền thống như cà ri, bánh naan, samosa.
Vài chiếc mũ Noel đội đầu, cây thông bé xíu đặt trên bàn, bên tiếng nhạc mừng năm mới là cách những người trẻ xa quê này tìm hơi ấm mùa lễ hội.
Nathan từng sống hơn ba năm ở Thanh Hóa, trước khi ra Hà Nội. Anh thấy ở hai tỉnh của Việt Nam, cách người dân đón Giáng sinh đã khác biệt. Ở Thanh Hóa, những gia đình theo đạo tập trung đến nhà thờ cầu nguyện, vui chơi. Còn thủ đô của Việt Nam, người dân trang trí ở nhà và ra các trung tâm thương mại, chỗ đông người tụ tập.
"Giáng sinh ở thủ đô của các bạn lộng lẫy và hiện đại hơn đất nước chúng tôi. Nơi đây có nhiều tiệc lớn, đèn nhấp nháy và trang trí cầu kỳ", anh nhận xét.
Ở quê nhà, gia đình anh dịp này thường tập trung đi nhà thờ cầu nguyện. Bữa cơm đoàn viên với họ vô cùng quan trọng, dù ở đâu, người ta cũng muốn về gặp nhau.
Sau bữa ăn gia đình các thành viên sẽ được tặng quà, đặc biệt là trẻ em. "Chọn sang đất nước khác là chọn thích nghi với những khác biệt và thiếu hụt. Tôi không thể mong đợi một Giáng sinh đầy đủ như đang ở Nam Phi được", Nathan nói.
Giống như anh Brandon, Fernando, Nathan mong gia đình lớn của mình ở quê nhà và gia đình nhỏ ở Việt Nam có thể gặp nhau vào lễ Giáng sinh. Khi đó, dù ở Việt Nam hay Nam Phi, với anh đó cũng sẽ là dịp lễ an lành, hạnh phúc nhất.
Nga Tâm