Thứ năm, 8/5/2025
Thứ tư, 7/5/2025, 07:00 (GMT+7)

Giảng đường bằng gỗ cổ nhất miền Tây

Bạc LiêuSala trong khuôn viên chùa Buppharam ở huyện Vĩnh Lợi mang đậm kiến trúc Khmer, được dựng từ hàng trăm cột gỗ quý, là giảng đường cổ còn tồn tại nguyên vẹn ở miền Tây.

Chùa Buppharam hay còn gọi chùa Cái Giá Chót, hoặc chùa Chót được sáng lập vào năm 1573. Chùa tọa lạc tại ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, cách trung tâm TP Bạc Liêu khoảng 6 km.

Nơi đây hiện lưu giữ và sử dụng sala (giảng đường) được xây dựng bằng gỗ quý. Theo hòa thượng Tăng Sa Vong, trụ trì chùa, đây là một trong những ngôi chùa Khmer lâu đời nhất của tỉnh.

Giảng đường được xây dựng vào năm 1915, nằm ở vị trí trung tâm của chùa, dễ nhìn thấy từ cổng đi vào.

Được xây dựng theo kiến trúc nhà sàn của người Khmer, giảng đường được thiết kế hai tầng, dài 21 m, rộng 10 m, cao hơn 10 m. Công trình được nâng đỡ trên hàng cột gỗ căm xe tạo nên sự vững chắc. Ngoài ra, vách, sàn đều được lót bằng gỗ thao lao, bên.

Từ bên ngoài, các góc cột được trang trí bằng gỗ điêu khắc hoạ tiết hình tượng chim thần Krut nâng mái ngói.

Đây là loài vật đặc trưng trong kiến trúc của chùa Khmer. Tất cả tượng gỗ đều được đặt mua ở Campuchia chở về Bạc Liêu bằng đường biển.

Giảng đường có tiếp đón hàng trăm người cùng lúc. Ở tầng trên là nơi dạy học cho các tăng sinh.

Nhiều năm qua, để giảng đường được nguyên vẹn, trụ trì cùng các chư tăng và người dân đã bỏ ra tiền, công sức để bảo dưỡng. "Theo năm tháng, nhiều giảng đường bằng gỗ khác đã bị dỡ bỏ, thay thế bằng sala bêtông kiên cố. Đó cũng là động lực để tôi quyết tâm gìn giữ giảng đường bằng gỗ tại chùa", trụ trì nói.

Một dấu tích đặc biệt ít người được biết trên cột ở tầng trên giảng đường. Đó là vết sém to bằng hai bàn tay, dấu ấn của một lần suýt bị giặc đốt giảng đường.

Năm 1945, giặc Pháp dẫn theo lính xông vào chùa đốt giảng đường vì nghi ngờ nơi đây chứa Việt Minh. Một cán bộ Việt Minh là người Khmer kêu gọi bà con ngăn cản, dập tắt nhóm lửa. Sau đó, giặc rút lui, ngôi sala được giữ.

Những viên ngói âm dương được đặt mua từ Đồng Nai, mang dấu ấn riêng biệt của kiến trúc Nam Bộ xưa. Hiện mái ngói vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, chưa phải thay hay sửa chữa.

Hòa thượng Tăng Sa Vong cho biết ông đã đi rất nhiều chùa Khmer ở Nam bộ và Campuchia, nhưng chưa từng nghe có nơi nào còn lưu giữ ngôi sala gỗ hoàn chỉnh. Ngành văn hóa tỉnh từng muốn mang đi trưng bày để người dân cả nước cùng chiêm ngưỡng, nhưng ông và người dân, Phật tử không đồng ý. Bởi họ lo rằng khi tháo lắp, di chuyển, sẽ làm tổn hại di sản độc đáo của vùng đất này.

Tầng dưới của sala được dùng làm nơi để các vật dụng của chùa, nghỉ chân của người dân, Phật tử đến viếng.

Tháng 8 năm 2017, chùa Chót đã được UBND tỉnh Bạc Liêu đưa vào danh mục di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020.

Ngoài giảng đường bằng gỗ, chùa Chót còn có công trình Thích Ca Phật đài được xây dựng trong 2 năm, trong đó có phần tượng Phật cao 25 m và tháp hội. Tổng kinh phí xây dựng công trình gần 2,5 tỷ đồng, do Phật tử đóng góp.

Giảng đường bằng gỗ cổ nhất miền Tây
 
 
Giảng đường cổ nhất miền Tây nhìn từ trên cao. Video: Chúc Ly

Cổng chùa nằm sát con đường nông thôn tại ấp Cái Giá, mang đậm nét đặc trưng của văn hóa Khmer.

Ông Thái Quốc Lưu, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, cho biết ngôi sala đã được ngành chức năng và địa phương kiểm kê, làm hồ sơ đưa vào quy trình xét duyệt trở thành di tích. Hy vọng rằng trong tương lai ngôi sala độc đáo này sẽ trở thành điểm thu hút khách du lịch tham quan khi đến tỉnh.

An Minh

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net