Ngày thứ hai xét xử vụ án cố ý làm trái, gây thất thoát 1.700 tỷ đồng xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam), TAND Hà Nội tập trung thẩm vấn để làm rõ "trách nhiệm trả khoản tiền này thuộc về ai".
Theo cáo buộc, khi đương chức, từ tháng 3/2008 đến tháng 9/2009, hai tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam là bị cáo Nguyễn Huy Ban và Lê Bạch Hồng đã ký 14 hợp đồng cho Công ty cho thuê tài chính II - ALC II vay hơn 1.000 tỷ đồng để kinh doanh.
Việc này được Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho là căn cứ hai thư bảo lãnh của tổng giám đốc Agribank, do ALC II là công ty con thuộc ngân hàng này. Sau khi phá sản, ALC hiện còn nợ cả gốc lẫn lãi 1.700 tỷ đồng.
Ông Hồng và Ban đều khẳng định Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Agribank có ký thỏa thuận 01 với nội dung: Bằng việc bảo lãnh, ngân hàng sẽ trả toàn bộ khoản nợ khi công ty con là ALC II "phá sản".
Ông Ban trình bày, khi cấp dưới đưa các tờ trình việc ALC II đề nghị được vay vốn từ Quỹ bảo hiểm, cùng với các thư bảo lãnh, tin tưởng Agribank là đối tác làm ăn tin cậy, bị cáo đã phê "đồng ý".
Trước lời khai này, luật sư đại diện của Agribank nói theo quy định của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam không được phép cho các công ty trực thuộc vay, vậy vì sao vẫn ký thỏa thuận 01? Ông Ban đáp: "Nếu biết điều này, tôi không bao giờ ký".
Theo đại diện Agribank, ngân hàng bảo lãnh thanh toán để nhận vốn nội tệ chứ không phải bảo lãnh cho ALC II vay vốn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Vì thế, "Agribank không có trách nhiệm trả nợ, không liên quan". Thỏa thuận 01 với BHXH Việt Nam phù hợp từng giai đoạn và chỉ có tính chất định hướng, nếu không phù hợp thì không phải tuân thủ theo.
Phản bác thông tin này, cựu tổng giám đốc Hồng khai khi biết ALC II phá sản, ông có gặp "hai đời" tổng giám đốc của Agribank và được họ hứa sẽ trả toàn bộ khoản tiền thất thoát. Giọng gắt lên, ông nói: "Họ không thể chối bỏ trách nhiệm được...".
Phiên tòa "nóng" lên khi Phó trưởng ban pháp chế Agribank tiếp tục khẳng định, căn cứ tờ trình của ALC II, ngân hàng đã phát hành bảo lãnh thanh toán, trong đó có nói nội dung về nhận vốn nội tệ, cam kết thanh toán chứ không phải trả tiền. "Mục đích phát bảo lãnh để ALC II nhận tiền gửi của Bảo hiểm xã hội Việt Nam", Phó trưởng ban pháp chế Agribank nói.
Ông Vũ Quốc Hảo (cựu tổng giám đốc ALC II, đang chờ thi hành án tử hình) được dẫn giải đến tòa trong phiên xét xử hôm nay. Ông Hảo khai nếu không có bảo lãnh của Agribank có thể Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ không cho vay. Trong tờ trình gửi Agribank, ông ghi rõ là nhận tiền vay, chứ không phải nhận tiền gửi.
Kết thúc phần thẩm vấn, tòa thông báo ngày mai (20/9) sẽ sang phần tranh luận, với phần đề nghị mức án của đại diện VKS.
Từ ngày 18/9 đến 24/9, TAND Hà Nội xét xử vụ án thất thoát 1.700 tỷ đồng xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam. 5 bị cáo phải hầu tòa về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (khoản 3, điều 165, Bộ luật Hình sự 1999) gồm Lê Bạch Hồng (cựu thứ trưởng Lao động, Thương binh và xã hội, cựu tổng giám đốc); Nguyễn Huy Ban (cựu tổng giám đốc); Trần Tiến Vỹ (cựu trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp); Hoàng Hà (cựu trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính) và Nguyễn Phước Tường (cựu trưởng ban Kế hoạch - Tài chính).
Bà Trần Thanh Thủy (nguyên chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính) bị cáo buộc tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2 điều 285, Bộ luật Hình sự 1999.