Các vụ gian lận thương mại xuất hiện tại Công ty Thăng Long từ cuối những năm 90. Điển hình là việc khai báo gian lận lô hàng điện máy trị giá 500 triệu đồng, bị Đội 2 Phòng Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan TP HCM phát hiện tháng 9/1999 tại cảng ICD Phước Long, Thủ Đức.
Trong 4 chi nhánh của đơn vị này, chi nhánh 3 do Phó giám đốc Phạm Bá Hiền (30 tuổi) phụ trách có lối làm ăn liều lĩnh nhất. Theo tài liệu của cơ quan chức năng, từ tháng 7/2001 đến nay, chi nhánh 3 đã 9 lần bị Cục Hải quan thành phố xử phạt vi phạm hành chính về hải quan, trong đó có 3 lần vi phạm chậm làm thủ tục, 4 vụ nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng, 2 vụ gian lận về nhập khẩu vải. Trong 2 lần vi phạm gian lận về nhập khẩu (ngày 18 và 26/10/2001), chi nhánh 3 chỉ bị buộc tái xuất hơn 80.000m vải, phạt vi phạm 20 triệu đồng. Có người cho rằng, vụ này với số tiền trốn thuế đến 370 triệu đồng, lẽ ra phải bị khởi tố hình sự.
Việc làm ăn khuất tất của Hiền bị lật tẩy ngày 28/5 vừa qua, khi Chi cục Quản lý thị trường thành phố phát hiện Văn phòng chi nhánh 3 tại số 17 Hàn Thuyên và 65B Mạc Đĩnh Chi hoạt động không phép. Thực chất chi nhánh lấy pháp nhân Thăng Long để khoán cho 14 thương nhân kinh doanh vải sợi hàng đầu tại thành phố nhập hàng, sau đó xuất hóa đơn bán theo yêu cầu của họ để hưởng lợi. Ông Hiền đã móc nối với thương nhân nước ngoài, dùng 2 bộ chứng từ để trốn thuế nhập khẩu và thuế VAT. Ngoài ra, Hiền còn dùng bộ tờ khai xuất xứ hàng hóa (C/O) gốc của nước ngoài cho in lại, sau đó ghi số lượng và giá thấp hơn nhiều. Bằng thủ đoạn này, chỉ trong 6 tháng trước khi bị phát hiện, chi nhánh 3 đã gian lận 115 bộ hồ sơ hải quan, khai chênh lệch với số vải thực tế là 800.000m và 50.000kg, trị giá hơn 450.000 USD.
Cơ quan chức năng phát hiện, ở 20/235 tờ hóa đơn VAT thu được (liên 2, giao cho khách hàng), địa chỉ ghi trên hóa đơn là không có thực, hoặc có thì không liên quan gì đến việc kinh doanh. Tại phòng làm việc của ông Hiền, cơ quan chức năng thu giữ 2 con dấu của 2 công ty Hàn Quốc và Đài Loàn, 1 con dấu ruồi của Phòng Công nghiệp và thương mại Đài Loan, dùng để sửa C/O.
(Theo Thanh Niên)