- Qua những sai phạm của một số nhân viên công ty đồ hộp Hạ Long Canfoco, theo ông một số đối tượng bị bắt giữ có thực sự vi phạm các quy định về tài chính ?
- Theo quy định, những hành vi gian lận tài chính là cố ý làm sai lệch thông tin kinh tế, tài chính do một hay nhiều người trong Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban giám đốc hoặc các nhân viên của bên thứ ba thực hiện. Chẳng hạn, hành vi xuyên tạc, làm giả chứng từ liên quan đến kiểm toán báo cáo tài chính, hoặc ghi chép các nghiệp vụ kinh tế không đúng, không đủ... Đối chiếu với những quy định trên, rõ ràng hành động của các nhân viên ở Canfoco là hành động gian lận.
- Với tư cách là người kiểm toán của doanh nghiệp, AASC cũng phải có trách nhiệm về những sai phạm này?
- Vấn đề xác định trách nhiệm, Ban giám đốc doanh nghiệp, cụ thể là Giám đốc hoặc người đứng đầu đơn vị là người chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các gian lận và sai sót. Còn đối với kiểm toán viên và công ty kiểm toán, theo quy định hiện hành, trong quá trình kiểm toán, kiểm toán viên và công ty kiểm toán có trách nhiệm giúp đơn vị phát hiện, xử lý, ngăn chặn các sai phạm, nhưng kiểm toán viên và công ty kiểm toán không chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc ngăn ngừa các gian lận, sai sót...
- Có nghĩa là mặc dù đã kiểm toán các báo cáo tài chính của doanh nghiệp, nhưng nếu doanh nghiệp có những gian lận tài chính, thì kiểm toán vẫn “vô can”?
- Ngay trong chuẩn mực kiểm toán Việt Nam cũng có những quy định là công việc kiểm toán thường chịu rủi ro do không phát hiện hết các sai phạm, dù đã thực hiện đúng hết các quy trình về chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và quốc tế. Trong các trường hợp gian lận, những đối tượng vi phạm đã cố tình hoàn thiện các chứng từ hoàn thuế... Do đó, chỉ khi có đầy đủ bằng chứng về các sai phạm tài chính trong công ty do mình kiểm toán thì chúng tôi mới có thể thông báo về những sai phạm cho các cơ quan chức năng.
- Khi AASC tiến hành kiểm toán có phát hiện ra sai phạm nào tại Canfoco?
- Khi kiểm toán, họ đều xuất trình được tất cả các chứng từ: xác nhận của hải quan về việc xuất hàng, của cơ quan thuế về cho phép hoàn thuế... Với những gì thể hiện qua chứng từ thì kiểm toán không thể có cơ sở gì để khẳng định có bất cứ một sai phạm gì vào thời điểm đó. Thực tế việc thẩm định những chứng từ đó là thật hay giả là vượt quá khả năng của kiểm toán.
- Như ông nói thì trước khi kiểm toán làm việc, cơ quan thuế đã thẩm tra hồ sơ và chấp nhận cho hoàn thuế. Vậy có nghĩa là AASC không phát hiện ra những sai phạm là do đã tin tưởng vào kết quả thẩm định hồ sơ trước đó của cơ quan thuế?
- Đối với chúng tôi, điều quan trọng là cần tuân thủ đúng theo quy định chuẩn mực kiểm toán của Việt Nam. Cho tới thời điểm chúng tôi kiểm toán, (tức là vào thời điểm 31/12/2001), cơ quan thuế đã hoàn 4,967 tỷ đồng cho Canfoco. Tuy nhiên, cơ quan thuế muốn hoàn hay không thì họ cũng đã phải xem những hồ sơ liên quan đến thủ tục xuất khẩu mặt hàng đó giữa doanh nghiệp và hải quan. Theo tôi được biết, chỉ khi có xác nhận của hải quan rằng, các lô hàng đó đã được xuất thì cơ quan thuế mới có cơ sở để hoàn thuế.
Về phía công ty kiểm toán, khi kiểm tra các chứng từ chúng tôi thấy đầy đủ, chứng từ đầu vào có, chứng từ xuất hàng có, chứng từ hoàn thuế của cơ quan thuế cũng vậy... Còn để xác định được thực sự có gian lận hay không thì chỉ có cách tiến hành điều tra doanh nghiệp có thực xuất hàng hay không mà thôi. Do đó, đối với kiểm toán, kể cả với cơ quan thuế, do chỉ làm việc trên cơ sở hồ sơ, giấy tờ thì không thể có cách nào biết được rằng, hàng đó có thực sự xuất thật hay không.
(Theo Đầu Tư Chứng Khoán)