Tôi nên làm gì trong trường hợp này? Theo luật pháp, hành vi của nhân viên bơm xăng sẽ bị xử lý như thế nào?
Luật sư tư vấn
Hành vi gian lận bơm xăng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất mức độ của từng hành vi.
Về xử phạt hành chính: Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định người có hành vi "đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung ứng dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng" bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị dưới 5.000.000 đồng.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự: Hành vi gian lận nói trên cũng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa dối khách hàng.
Điều 198 Bộ luật Hình sự quy định, người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; hoặc thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
Người vi phạm cũng sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ một năm đến 5 năm nếu phạm tội có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; dùng thủ đoạn xảo quyệt; hoặc thu lợi bất chính trên 50.000.000 đồng.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
Quyền lợi của bạn được quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010:
- Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, bạn có thể cân nhắc thực hiện một trong số các biện pháp:
- Yêu cầu người bán xăng cung cấp đầy đủ lượng xăng còn thiếu hoặc hoàn trả lại tiền còn thừa.
- Tố cáo hành vi gian lận tới cơ quan Quản lý thị trường địa phương.
- Khởi kiện đơn vị chủ quản cây xăng để yêu cầu bồi thường những thiệt hại do hành vi gian lận xăng dầu gây ra (nếu có).
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty luật Bảo Ngọc, Hà Nội