10h sáng 2/6, thời gian làm bài thi Ngữ văn - môn đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp 2014 kết thúc. Những gương mặt rạng rỡ ùa ra khỏi cổng trường. Không nằm ngoài dự đoán của nhiều học sinh, giáo viên, vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép đã làm “nóng” trường thi.
Nguyễn Thu Trang (THPT Chu Văn An, Hà Nội) tự tin bài làm của mình tối thiểu được 7 điểm. “Ban đầu em rất lo lắng với đề thi đọc hiểu. Tuy nhiên, khi đọc đoạn văn bản có nêu vấn đề giàn khoan Trung Quốc, em rất hào hứng. Bạn nào cũng xác định đây là phong cách ngôn ngữ báo chí, rất quen thuộc trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây”, Trang nói.
Trần Trọng Hoàng (hội đồng thi THPT Xuân Đỉnh, Từ Liêm) cho biết: “Chủ đề biển đảo đã được giáo viên nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong khi ôn tập. Ai cũng đoán kiểu gì thi cũng có vấn đề này nên khi đọc đề các bạn rất vui vẻ”. Theo Hoàng, câu 3 với yêu cầu “bày tỏ thái độ về sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan xâm phạm biển đảo” đã được em làm rất nhanh và hào hứng.
Do thời gian thi môn Văn bị rút ngắn còn 120 phút nên rất ít thí sinh hoàn thành bài thi và ra khỏi trường thi sớm.
Cùng thí sinh cả nước, hơn 39.000 học sinh lớp 12 ở Thanh Hóa đã trải qua môn thi đầu tiên suôn sẻ.
"Đề thi không khó và rất sát với chương trình. Em thích nhất là đề số 1 với câu hỏi liên quan chủ đề Biển Đông", Nguyễn Trần Hoàn (khối chuyên Toán THPT Hàm Rồng) nói và cho biết qua các phương tiện truyền thông, Hoàn nắm rất rõ sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam nên lượng thông tin trong bài em trình bày rất sâu, các ý được diễn giải chi tiết và chắc chắn về mặt câu cú và ngữ pháp.
Với những học sinh chuyên ban C, D thì đề văn được cho là dễ ăn điểm. “Em viết kín 8 mặt giấy thi, có thể được 7-8 điểm”, Lê Thu Hà My (THPT Hàm Rồng) vui vẻ.
Thời tiết tại Thanh Hóa nắng gay gắt, thí sinh rời phòng thi với mồ hôi nhễ nhại. Bên ngoài cổng trường, phụ huynh đưa đón con em bịt kín mặt bằng khẩu trang và áo chống nắng. Các bóng râm dưới gốc cây cổ thụ được tận dụng tối đa làm nơi tránh trú trong thời gian chờ đợi.
Tại Nghệ An, hết giờ làm bài nhiều em vẫn nán lại bàn tán về môn thi Ngữ văn.
Lê Thị Thục Quyên (THPT Huỳnh Thúc Kháng) cho biết, đề thi năm nay rất hay trong đó câu I sát với thực tế, với sự kiện xã hội của đất nước. "Thời gian qua em hay xem tivi và đọc báo nên em hiểu khá rõ về sự kiện, em không bất ngờ về đề thi này. Em làm được khoảng 80%", Quyên nói.
"Cấu trúc đề bọn em đã gặp ở kỳ thi thử rồi nên em làm khá tốt, đạt khoảng 70%", Nguyễn Văn Sơn (điểm thi THPT Huỳnh Thúc Kháng) nhận định.
Báo cáo của Sở Giáo dục Nghệ An cho biết, môn thi đầu tiên toàn tỉnh có 69 thí sinh bỏ thi (99,5% thí sinh dự thi), trong đó có 10 thí sinh bị tai nạn, ốm đau. Không có thí sinh, cán bộ coi thi nào vi phạm quy chế thi.
Tại TP HCM, đa số học sinh ở hội đồng thi Nguyễn Thị Minh Khai lại bày tỏ sự bất ngờ với đề thi nhưng vẫn vui vẻ vì đề thi năm nay dễ. Đặc biệt, vấn đề việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép gây được cảm hứng làm bài.
Khá hồ hởi về kết quả làm bài, Ngọc Phụng cho biết: "Em đã có dịp bày tỏ quan điểm của mình. Theo em, chúng ta cần phải kiên quyết đấu tranh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cả trên đất liền và trên biển. Ở tuổi của mình em nghĩ rằng yêu nước nên được thể hiện qua việc sống tích cực, chăm lo học tập và góp một phần nhỏ sức cùng toàn dân sát cánh bên các chiến sĩ hải đảo".
Bàn về lòng yêu nước, thí sinh này cho biết chúng ta cần yêu nước đúng hướng và việc công nhân bạo động ở một số tỉnh thời gian qua là sai lầm.
Tương tự, thí sinh Bích Ngọc cũng tâm đắc với bài làm của mình. Thí sinh này đã trích dẫn rất nhiều thông tin bản thân theo dõi qua báo, đài trong thời gian qua.
“Em thấy đề văn mở theo hướng tích cực, thông qua đề thi này mỗi học sinh có thể thể hiện được quan điểm, tình yêu đất nước của mình. Từ xa xưa, cha ông ta đã không ít lần đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, trong đó chủ yếu là Trung Quốc. Điều này cho thấy dù là một nước nhỏ nhưng chúng ta chưa bao giờ đầu hàng trước giặc ngoại xâm và lần này cũng vậy”, Bích Ngọc chia sẻ.
Hải Phòng có 18 trong tổng số hơn 20.300 thí sinh đã bỏ thi, trong đó 1 học sinh của trường THPT Nguyễn Đức Cảnh bị tai nạn giao thông, 4 thí sinh bị ốm.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết, đề Ngữ Văn năm nay rất mở nên thí sinh thoải mái trong cách làm bài, tư duy, lý luận và không phụ thuộc vào tài liệu, nên không có thí sinh nào vi phạm quy chế thi.
Ở Hội đồng thi THPT chuyên Trần Phú, các thi sinh vui vẻ sau khi hoàn thành bài thi. Nhiều thí sinh tự tin bài của mình sẽ được 7-8 điểm.
“Đề Ngữ Văn năm nay rất hay, đòi hỏi mỗi chúng em phải có tư duy, sáng tạo, có cách nhìn nhận, đánh giá sự kiện sát với thực tế cuộc sống", Nguyễn Đức Lương, học sinh Trường THPT chuyên Trần Phú nói.
Tự tin bản thân có thể đạt 7-8, thí sinh Nguyễn Lê Thảo Ngân, lớp 12 chuyên Anh Trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng) nói: "Với cách ra đề như này thì việc học sinh ôn tủ sẽ bị loại bỏ”. Ảnh: Giang Chinh. |
So với học trò ở thành phố lớn,thí sinh các trường vùng cao tỏ ra bỡ ngỡ. Hội đồng thi Tốt nghiệp trường PTTH Đồng Văn (Hà Giang) năm nay có gần 300 học sinh tham gia.
Theo thầy Lã Ngọc Hà, giáo viên Ngữ Văn THPT Đồng Văn, đề thi năm nay vừa sức thí sinh, câu hỏi rõ ràng và không hề đánh đố, hỏi trực tiếp vào vấn đề. "Phần đọc hiểu, không riêng cá nhân tôi mà nhiều thầy cô khác cũng cho là rất hay vì đề cập đến vấn đề có tính thời sự, quan trọng của đất nước, đánh thức được lòng yêu nước, tự hào của dân tộc Việt Nam", thầy Hà nói.
Tuy nhiên, do là trường ở vùng cao với những đặc thù về địa lý, dân trí nên theo thầy Hà, các thí sinh vẫn còn bỡ ngỡ với đề thi mở kiểu mới này, rất ít thí sinh làm hai tờ giấy thi.
Sau khi xem gợi ý đáp án môn Văn trên VnExpress, một số học sinh THPT Bình Trung, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) cho rằng, điểm thi của họ sẽ không cao. Câu hỏi liên quan Biển Đông đã được thầy cô cho ôn tập, nhưng do ít thông tin và cũng chủ quan nên kết quả không như ý.
Chiều nay, các thí sinh sẽ thi môn tự chọn Vật lý (60 phút) và Lịch sử (90 phút).
Thang điểm nên thoát khỏi khuôn mẫu Cô Đỗ Thị Ngọc Anh (giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội) cho biết, đề năm nay không khó nhưng ở dạng mở. Câu nghị luận xã hội về Biển Đông không quá bất ngờ, học sinh có thể cập nhật các thông tin từ báo đài. Với câu nghị luận 7 điểm yêu cầu phân tích khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba, từ đó trình bày suy nghĩ của học sinh về vấn đề con người cần được sống là chính mình, qua vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", theo cô Ngọc Anh, từ khi đổi mới sách thì đây là lần đầu tiên tác phẩm này vào đề thi tốt nghiệp. Trong chương trình dạy, giáo viên vẫn cho các em ôn, nhưng tập trung nhiều dưới dạng câu hỏi nghị luận xã hội 3 điểm. Thầy Nguyễn Văn Cường (giáo viên Văn tại Thái Bình) cho rằng: "đề thi năm nay gần gũi, có tính thời sự cao, phần đọc hiểu 3 điểm gần như đều “trúng tủ” với hầu hết thí sinh. Phần làm văn 7 điểm nhẹ nhàng và có tính triết lý, thí sinh có thể bày tỏ quan điểm một cách thoải mái. Đây đúng tính chất là một đề thi mở. Nếu có sự hiểu biết xã hội, hiểu tác phẩm, học sinh dễ dàng làm được 8 điểm". Theo thầy Cường, với cách ra đề thi này, Bộ Giáo dục cần có những phương án chấm thi linh hoạt, đề thi thoát khỏi sách giáo khoa thì thang điểm chấm cũng cần không gò bó, khuôn mẫu. Cô giáo dạy văn Tô Hồng Thuyên (THPT Hải Đảo, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) chia sẻ: "Đề thi dưới dạng đề mở là rất hay, bám sát tình hình thực tế, từ đó giúp học sinh gần gũi với cuộc sống và những vấn đề thời sự, nâng cao khả năng, tư duy lập luận của học sinh". Cô Thuyên cũng cho rằng, với đề thi này, các thí sinh ở đâu cũng có thể làm được. Về câu 7 điểm, theo cô Thuyên, ngoài kiến thức cơ bản, học sinh chỉ cần nằm chắc kỹ năng, vận dụng nhận thức, hiểu biết cuộc sống là có thể làm tốt. |
Nhóm phóng viên