Theo thông tin từ Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, vào 18h30 ngày 16/7, giàn khoan Hải Dương 981 đã dịch chuyển khỏi vị trí cũ 41 hải lý, cách đảo Hải Nam khoảng 163 hải lý về phía tây nam, ra ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đang tiếp tục theo dõi sự dịch chuyển của giàn khoan 981 và các tàu hộ tống của Trung Quốc.
Trước đó, từ 21h ngày 15/6, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc và các lực lượng hộ tống đã bắt đầu dịch chuyển khỏi vị trí hạ đặt trong vùng biển Việt Nam. Vận tốc di chuyển có lúc cao nhất đạt từ 4 đến 4,2 hải lý (khoảng 8 km) mỗi giờ, theo hướng 330 độ, hướng Bắc Tây Bắc, tiến về phía đảo Hải Nam. Phía Trung Quốc bố trí gần 60 tàu các loại hộ tống, dịch chuyển theo hình chữ V ở cự ly sát nhau.
Trao đổi với VnExpress, thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm (Tư lệnh Cảnh sát biển) dự đoán để đưa giàn khoan đến được đảo Hải Nam, Trung Quốc phải mất khoảng 2 ngày di chuyển.
Sáng nay, trong phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo các bộ Quốc phòng, Công an và Ngoại giao đã báo cáo việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng sức mạnh tổng hợp và các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế; yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan cũng như các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển của Việt Nam.
Thủ tướng tái khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi và phát triển. Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc và các bên liên quan đàm phán hòa bình, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế.
Đầu tháng 5, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, dùng hàng trăm tàu hộ tống trong đó có nhiều tàu quân sự, máy bay, hung hăng đâm va làm hư hỏng nhiều tàu, làm bị thương nhiều cán bộ thực thi pháp luật của Việt Nam. Đặc biệt, tàu Trung Quốc còn đâm chìm tàu cá, đe dọa đến tính mạng của ngư dân Việt Nam.
Hành vi này của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước về luật biển 1982, vi phạm tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông và vi phạm thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Hoàng Thùy
Nguồn video: VTC