Phát biểu tại hội nghị Future of Car mới đây, ông Elon Musk, CEO của Tesla, quan ngại về khả năng hoàn thành mục tiêu cung cấp 20 triệu ô tô điện trong một năm trước 2030.
Ông chủ của hãng xe điện lớn nhất thế giới cho rằng nguồn cung nguyên liệu thô sản xuất pin sẽ ngày càng hạn chế trong thời gian tới, và tình trạng này có thể kéo dài trong 3 năm.
Không chỉ riêng CEO của Tesla, ảnh hưởng của đứt gãy chuỗi cung ứng cũng là vấn đề chính được lãnh đạo các tập đoàn xe hơi khác nêu lên tại sự kiện lần này.
Trái ngược với những mục tiêu tham vọng trong những năm trước, trong năm nay, không một giám đốc điều hành nào công bố mục tiêu cao hơn về doanh số bán xe điện hay sản xuất pin.
Volkswagen, một trong những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Tesla, từ lâu đã đặt mục tiêu vượt qua đối thủ của mình về doanh số bán xe điện vào năm 2025, cũng đã giảm kỳ vọng với kế hoạch này.
"Chúng tôi cần năng lượng, chúng tôi cần mạng lưới sạc, chúng tôi cần cơ sở hạ tầng, và chắc chắn chúng tôi cần những chiếc xe, nhưng chúng tôi cũng rất cần pin và nguyên liệu thô", ông Herbert Diess, Giám đốc điều hành của Volkswagen, nhấn mạnh tình trạng thiếu cung nguyên liệu hiện tại.
Sự quan ngại của hai nhà sản xuất xe điện hàng đầu được đưa ra khi nhu cầu sử dụng xe chạy bằng pin của người tiêu dùng tiếp tục vượt quá mong đợi của ngành.
Trong năm 2022, Volkswagen đặt mục tiêu bán ra 700.000 xe điện. Tuy nhiên, trong chưa đầy nửa năm, công ty cho biết doanh số bán tại thị trường Mỹ và châu Âu đã vượt chỉ tiêu cả năm. Điều này cũng diễn ra tương tự đối với Mercedes-Benz.
Trong khi đó, ông chủ của Tesla cho biết vấn đề doanh thu không còn phải vấn đề ưu tiên mà quan trọng hơn bây giờ là vấn đề về sản xuất, chuỗi cung ứng. Ông Musk chia sẻ thêm rằng Tesla sẽ không loại trừ việc mua một công ty khai thác để đảm bảo nguồn nguyên liệu thô cần thiết để tăng cường sản xuất xe điện.
Cũng tại hội nghị, CEO Luca de Meo của Tập đoàn xe hơi Renault cho rằng khủng hoảng chuỗi cung đã "thay đổi cuộc chơi", buộc các nhà sản xuất ô tô phải "chơi theo những quy tắc mới", khi họ sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào các công ty năng lượng và khai thác.
Giám đốc điều hành của hãng xe hơi Pháp nhận định với tình trạng hiện tại, mục tiêu đưa giá thành của ô tô điện hạ xuống ngang với dòng ô tô truyền thống khó có thể đạt được trước năm 2025. Và cũng có thể vì đó, nhu cầu về xe điện sẽ dần sụt giảm.
Ở một diễn biến khác, tại Trung Quốc, một trong những thị trường xe điện lớn nhất toàn cầu, các khoản trợ cấp mua ô tô điện sẽ bị cắt giảm dần qua từng năm, khiến những người có thu nhập thấp càng khó có khả năng mua xe hơn.
Để giúp giải quyết vấn đề khan hiếm nguồn cung, ông chủ của Mercedes-Benz Ola Källenius kêu gọi châu Âu học theo các chiến lược thu mua nguyên liệu thô do Trung Quốc và Mỹ từng thực hiện và đẩy mạnh các hiệp định thương mại song phương, ...
Ông gợi ý EU nên xem xét các thỏa thuận mua bán với các quốc gia giàu khoáng sản như Australia, Ấn Độ hay các quốc gia Nam Mỹ, đồng thời tạo mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nền kinh tế có nhiều tài nguyên cho sản xuất xe điện.
Trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn tới sự thiếu hụt nguyên liệu thô sản xuất như hiện nay, giới phân tích cũng đã hạ kỳ vọng đối với ngành công nghiệp ô tô điện.
Trong một báo cáo khảo sát gần đây, ngân hàng Wells Fargo nhận thấy giá một số nguyên liệu thô để sản xuất một chiếc Tesla Model Y đã tăng mạnh. Wells Fargo cảnh báo sự gia tăng chi phí nguyên liệu pin làm trì hoãn thời điểm giá thành xe điện bằng với xe động cơ đốt trong ít nhất một thấp kỷ. Theo đó, ngân hàng đã phải hạ triển vọng đối với 2 hãng xe lớn của Mỹ là General Motors và Ford.
Không riêng giới phân tích, bản thân ông chủ của các tập đoàn xe hơi cũng có cùng quan điểm rằng những khó khăn hiện tại của ngành sẽ không thể giải quyết trong ngày một sớm một chiều.
Lê Huy (theo Financial Times)