Giá vàng SJC tại Tập đoàn DOJI chốt 37,68 - 37,98 (mua vào - bán ra) triệu đồng lúc 9h45, tăng 200.000 đến gần 400.000 đồng so với cuối ngày hôm qua. Hơn nửa tiếng sau, theo đà tăng nhanh của thế giới, đơn vị này niêm yết giá mới 37,88-38,08 triệu đồng mỗi lượng.
Đầu giờ sáng, Công ty Đầu tư Vàng Phú Quý có giá bán ngang DOJI, thu mua cao hơn 100.000 đồng cùng thời điểm. Đến 10h05, đơn vị này tăng giá mua vào - bán ra lên 37,85-38,05 triệu đồng một lượng.
Báo giá trên website Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn cũng liên tục thay đổi. Đầu giờ sáng công ty này thông báo giá 37,45-37,75 triệu đồng nhưng đến 10h12 có giá mới 37,75-38,05 triệu đồng một lượng.
Đây là lần đầu tiên thị trường vượt ngưỡng 38 triệu đồng kể từ ngày 8/7. Từ đó đến nay, thị trường thiếu sóng, dao động "lình xình" trong khoảng hẹp từ 37,4 đến 37,8 triệu đồng. Giao dịch trên thị trường cũng ảm đạm. Đại diện một doanh nghiệp vàng cho rằng chỉ khi giá giảm mạnh đột ngột hoặc tăng cao hẳn, thị trường mới xuất hiện làn sóng khách đi mua hoặc bán.
Đà tăng giá sáng nay của các đơn vị kinh doanh chủ yếu xuất phát từ thị trường thế giới. Giá giao ngay tại châu Á lúc 10h38 (giờ Hà Nội) dao động quanh 1.293 USD một ounce, tăng gần 10 USD so với lúc mở cửa. Quy đổi ra tiền Việt theo tỷ giá bán của các ngân hàng, vàng thế giới hiện tương đương 33,1 triệu đồng (chưa bao gồm chi phí đưa về Việt Nam).
Như vậy, chênh lệch giữa hai thị trường nội và ngoại lại nới rộng, nhảy từ 4,8 triệu đồng hôm qua lên 5 triệu đồng (chưa bao gồm chi phí). Trong bản tin một công ty vàng, nhà phân tích cho rằng vàng "nội" tăng giá so với "ngoại" vì thị trường thiếu vắng nguồn cung.
Từ đầu tuần tới nay, Ngân hàng Nhà nước thông báo đấu thầu phiên duy nhất vào ngày 16/7, tổng khối lượng chào 26.000 lượng (tương đương một tấn) được bán hết cho 14 đơn vị với giá trúng thấp nhất và cao nhất là 37,22-37,31 triệu đồng một lượng. Từ khi khai mạc vào cuối tháng ba, hầu như tuần nào Ngân hàng Nhà nước cũng đều đặn tổ chức 3 phiên, chào bán 1-1,5 tấn vàng. Có phiên cao điểm 11/4, cơ quan này chào bán 2 tấn.
Một đầu mối kinh doanh cho biết nhu cầu trên thị trường hiện nay không lớn song nỗi lo không thể chủ động nguồn cung khiến cả ngân hàng và doanh nghiệp đều phải kéo giá lên.
Trên thị trường ngoại tệ, giá USD trong ngân hàng ổn định ở mức trần 21.246 đồng, không thay đổi trong nhiều ngày qua. Các ngân hàng chỉ chênh lệch nhau ở chiều thu mua, có nơi 21.200 đồng như Vietcombank, còn Eximbank hôm qua hạ 10 đồng ở chiều mua, xuống 21.190 đồng.
Trong khi đó, giá USD tự do liên tục giảm nhiệt sau chuỗi ngày tăng nóng, có lúc tiến sát 22.000 đồng. Sáng nay, các điểm thu đổi báo giá bán 21.520 đồng, hạ 30.000 đồng so với hôm qua. Chiều thu mua vẫn ở 21.480 đồng đổi một đôla Mỹ.
Thanh Bình