Tháng 7 là giai đoạn cao điểm bùng phát dịch bệnh tại nhiều tỉnh, thành phía Nam với liên tiếp các lệnh giãn cách kéo dài. Đây cũng là 31 ngày kinh doanh "hụt hơi" của các doanh nghiệp bán lẻ do phải đóng cửa hàng và hạn chế hoạt động.
Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) là một ví dụ. Theo báo cáo vừa công bố, doanh thu thuần tháng 7 của hệ thống bán lẻ này đạt gần 9.500 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế lại giảm 29%, về mức hơn 230 tỷ đồng.
Kết quả này do gần 2.000 cửa hàng của chuỗi bán lẻ điện thoại, laptop, phụ kiện công nghệ và bán lẻ điện máy phải đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng trong nửa cuối tháng 7. Số cửa hàng này chiếm khoảng 70% tổng điểm bán trên toàn quốc của MWG. Công ty này cho biết, tăng trưởng doanh thu là nhờ nỗ lực gia tăng doanh số của chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu Bách Hoá Xanh.
Tương tự, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng là một doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn trong tháng vừa qua. Đến cuối tháng 7, PNJ đã tạm đóng 274 cửa hàng trên toàn hệ thống để thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội. Công ty này ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 490 tỷ đồng và ghi nhận lỗ 32 tỷ đồng. So với cùng kỳ, doanh thu đã giảm 63% và lợi nhuận bị hụt 157%.
Như vậy, đây là tháng đầu tiên PNJ báo lỗ trong năm nay. Năm ngoái, cao điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 vào tháng 4 cũng khiến công ty này phải kinh doanh dưới giá vốn.
Một doanh nghiệp dệt may có tỷ trọng xuất khẩu lớn là Dệt may Thành Công cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sụt giảm trong tháng 7. Trong đó, doanh thu giảm gần 3% xuống mức 14,5 triệu USD (gần 330 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế giảm đến 47% xuống mức 15,3 tỷ đồng. Công ty cho biết trong tháng 7 do thực hiện giãn cách nên năng suất lao động ngành may không đạt kế hoạch dẫn đến biên lợi nhuận gộp không cao so với cùng kỳ năm trước.
Với ngành nhựa, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) là đơn vị đầu tiên cho biết sơ lược về bức tranh tài chính. Trong cuộc họp thường kỳ gần đây, ban lãnh đạo công ty cho hay, đợt dịch này khiến toàn bộ hoạt động của Nhựa Bình Minh trong tháng 7 chỉ duy trì ở mức 15-20% so với bình thường. Sản lượng bán hàng trong tháng vừa qua đạt hơn 5.200 tấn, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước. Điều này khiến doanh thu giảm gần 39% về mức 244 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh của công ty bắt đầu sa sút vào nửa cuối tháng 7 khi các biện pháp giãn cách xã hội siết chặt, việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn. Sản phẩm nhựa nói chung không được đưa vào diện thiết yếu và chỉ được phục vụ một số công trình đặc thù như bệnh viện dã chiến. Cùng với giá nguyên liệu đầu vào cao mà công ty đã nhập trước đó, Nhựa Bình Minh lần đầu tiên thâm hụt lợi nhuận với khoản lỗ 3,7 tỷ đồng.
Lãnh đạo công ty chia sẻ thêm, tình hình còn nghiêm trọng hơn trong tháng 8 khi doanh thu chỉ đạt khoảng 70-75 tỷ đồng, giảm sâu so với cùng kỳ năm trước. Đây sẽ là mức rất thấp so với mức kế hoạch 400-500 tỷ đồng mỗi tháng.
Theo VNDirect, các biện pháp giãn cách xã hội diện rộng sẽ tiếp tục làm gián đoạn đà phục hồi của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp bán lẻ trong quý III. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn có cơ hội phục hồi sau khi làn sóng dịch thứ tư được kiểm soát, nhất là mảng bán lẻ thiết bị điện tử hưởng lợi.
Với bức tranh không mấy khả quan trên, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, triển vọng kinh tế nửa cuối năm 2021 phụ thuộc nhiều vào hiệu quả của công tác ngăn chặn dịch bệnh và tiến độ tiêm chủng. VDSC dự báo tăng trưởng GDP cả năm ở mức 4%.
Còn Dragon Capital cho rằng, kinh tế Việt Nam trong quý III có thể ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua. Đây được xem là quý phản ánh gần như mọi tác động tiêu cực của đại dịch.
Tất Đạt