"Em không còn tiền để ăn. Em có thể vay chị được không?", người gửi là Deny, tài xế kiêm hướng dẫn viên du lịch tôi quen trong một lần tới Bali, Indonesia. Deny 26 tuổi, quê ở Java, cách Bali gần 700 km. Như nhiều người, cậu tới Bali thuê nhà, làm các việc lặt vặt phục vụ du khách. Cậu mơ một lần tới Hàn Quốc nếu đủ tiền vì vừa quen một cô gái Hàn tới đây du lịch.
"Sao em không về quê ở tạm?", tôi hỏi lại Deny. "Em cần gom đủ 250 USD mới về Java được. Xe buýt đã ngừng hoạt động. Em không đủ tiền thuê xe riêng về nhà. Gần hai tháng nay, em không kiếm được đồng nào vì không có khách", Deny nhắn lại một tràng. "Chính phủ Indo có hỗ trợ gì không?", tôi hỏi tiếp. "Có, nhưng không phải ai cũng được nhận. Em thực sự là tan nát rồi chị ạ", cậu trả lời.
Tôi hỏi số tài khoản của Deny rồi chuyển tiền. Hai chữ "tan nát" đủ để tôi tin mình phải hành động ngay. Những chuyến đi xa giúp tôi hiểu về thách thức con người khắp nơi phải đương đầu. Tôi đã gặp ở Nga những cụ già sống với chưa tới 200 USD tiền hưu trí mỗi tháng, lủi thủi chống chọi với cái lạnh âm 20 độ. Ở Ấn Độ, sinh viên sau tốt nghiệp làm "nghề" dắt chó đi dạo có thể kiếm được nhiều hơn các việc phù hợp với ngành học. Ở Cuba, cô phục vụ không giấu nổi vẻ vui mừng khi được tôi tặng hai bánh xà phòng. Ngay lúc này, nông dân Cuba phải dùng bò thay máy kéo do khủng hoảng nhiên liệu. Tiền mặt, sổ tiết kiệm là thứ rất quý hiếm với nhiều người, kể cả ở Bắc Mỹ và châu Âu. Hơn nữa, do văn hóa đề cao độc lập cá nhân, chuyện nhờ vả bố mẹ, con cái hay vay mượn không hề dễ dàng.
Tôi tin những người lâm cảnh "tan nát" do dịch Covid-19 như Deny không hiếm ở Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, hiện chỉ có 22 % lực lượng lao động ở Việt Nam qua đào tạo từ trình độ sơ cấp trở lên - được tạm coi là lao động "cổ cồn". Khoảng 20 triệu người đang thuộc nhóm nghề lao động giản đơn, đóng góp nhiều nhân lực nhất cho nền kinh tế với tỷ lệ 33 %. Bên cạnh đó, còn khoảng 9 triệu người thuộc diện nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ thường xuyên. Đối với nhóm "cổ cồn" hoặc công chức, ở nhà hay giãn cách xã hội có thể là dịp để sống chậm, làm việc online. Nhưng với nhóm lao động giản đơn, ở nhà đồng nghĩa với việc đứt đoạn mưu sinh và có thể đẩy họ gia nhập nhóm nghèo. Giãn cách xã hội phần nào đẩy nhanh giãn cách giàu nghèo, thậm chí có thể đem đến hậu quả to lớn về bất ổn xã hội, sức khỏe và sinh mạng.
Sau những biện pháp chống dịch sớm và mạnh mẽ của Chính phủ, hoạt động kinh tế Việt Nam đã co hẹp đáng kể từ đầu tháng Hai, đi trước nhiều quốc gia. Vì vậy, sự cầm cự của nhiều hộ gia đình chỉ có thể tiếp tục tính bằng từng tuần, thậm chí từng ngày, từng giờ. Những dòng người tới các cây ATM gạo, người câu cá và chị bán hoa bị phạt ở Hà Nội, người phụ nữ "cố tình" đi bán rau ở Quảng Ninh chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Có lẽ có nhiều người hơn, đã và đang tự giằng xé, giữa một bên là nỗi lo thiếu ăn và lòng tự trọng khi bất đắc dĩ trở thành người đi xin gạo; một bên là miếng cơm cho đàn con và một bên là nghĩa vụ thực hiện giãn cách xã hội. Trong khi chúng ta cổ vũ tinh thần thượng tôn pháp luật và tương thân tương ái, ta cũng hy vọng nghĩa cử của các tổ chức thiện nguyện và hành xử của các cấp chính quyền sẽ được thực hiện tinh tế và nhân văn hơn để những người gặp khó khăn không bị thiệt thòi kép về kinh tế và nhân phẩm. Những sự việc như bịt miệng, trói tay người vi phạm giãn cách, bêu tên và hình ảnh người không đủ "tiêu chuẩn" nhận gạo từ thiện không hề phù hợp văn hóa "một miếng khi đói", "cách cho hơn của đem cho" của người Việt. Nó càng không nên có trong một xã hội văn minh, dù khi chống dịch hay lúc bình thường.
Nhìn rộng hơn, đã hơn 10 ngày trôi qua kể từ khi Nghị quyết 42 của Chính phủ hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid được ban hành, dân chúng đang chờ những hành động quyết liệt từ các địa phương và cơ quan liên quan để các khoản hỗ trợ đến tay người bị ảnh hưởng sớm nhất, hiệu quả nhất. Do tâm thế cách ly xã hội, nhiều cơ quan nhà nước đã giảm cường độ làm việc. Những đối tượng cần được hỗ trợ khẩn cấp có thể thiếu manh mối để tiếp nhận trợ cấp hoặc tệ hơn, gặp khó khăn bởi cơ chế xin-cho, "ban phát" vốn thường thấy ở nhiều cơ quan công quyền.
"Em sẽ trả chị tiền nếu tình hình khá hơn", Deny nhắn kèm theo một biểu tượng trái tim. Tôi chưa nói với Deny rằng tôi không trông chờ cậu trả lại tiền. Tôi không có ý định biến Deny thành một người đi xin lúc này. "Em hãy tin mọi việc sẽ tốt đẹp", tôi đáp lại.
"Mọi việc sẽ tốt đẹp" cũng là kim chỉ nam của riêng tôi. Ba tháng qua là thời khắc khó khăn nhưng tôi vẫn quan sát được nhiều điều tích cực. Tôi nhận ra mỗi người trong chúng ta đã biết quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe bản thân và cộng đồng, luôn sẵn tấm lòng san sẻ với người gặp khó, phản ứng khi thấy hành xử chưa đẹp mắt. Rõ ràng, sự kết dính của xã hội Việt Nam tiếp tục được duy trì dù trong khủng hoảng. Chất keo này rất cần khi hoạt động kinh tế, xã hội trở lại quỹ đạo trong khi chờ các thành quả y học. Nó đặt nền móng cho một xã hội biết đồng thanh lên tiếng hướng tới nhà nước pháp quyền - nơi thượng tôn pháp luật song hành cùng sự hiểu biết và đồng cảm.
Cẩm Hà