Đây là một trong 9 thay đổi về nội dung tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự. Điều 14 luật hiện hành quy định thời hạn nghĩa vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ là 2 năm; hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do quân đội đào tạo, hạ sĩ quan binh sĩ trên tàu hải quân là 3 năm. Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhận thấy, trong điều kiện hiện nay, thời hạn trên là tương đối dài, làm cho vấn đề công bằng giữa những người thực hiện nghĩa vụ quân sự và người không thực hiện trở thành mối quan tâm của xã hội. Theo khảo sát của Chính phủ, nguyện vọng của nhân dân là muốn rút ngắn thời gian tại ngũ để con em họ nhanh chóng ổn định cuộc sống gia đình. Thanh niên đi bộ đội và gia đình thường bị thiệt thòi về sức lao động và nhiều mặt khác so với thanh niên không nhập ngũ.
Các đại biểu nhất trí việc Chính phủ đề nghị giảm mốc 2 năm xuống 18 tháng, 3 năm xuống 2 năm; 18 tháng cũng là thời gian cần thiết để hoàn thành khóa huấn luyện, giúp cho người làm nghĩa vụ quân sự sớm ổn định cuộc sống.
Độ tuổi cao nhất gọi nhập ngũ được đề nghị hạ từ 27 xuống 25. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh cho rằng, phương án này là phù hợp với phân tích sẽ huy động thêm được số người vừa tốt nghiệp đại học tham gia quân ngũ, lúc này họ cũng ở độ tuổi 24. Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Vũ Mão tán thành quan điểm này, nhưng lưu ý Ban soạn thảo nên có số liệu thống kê và phân tích lực lượng của từng độ tuổi để thấy rằng công dân trong đội tuổi 26-27 chỉ chiếm 0,64% so với tổng số gọi nhập ngũ hằng năm. Do vậy, việc giảm độ tuổi gọi nhập ngũ không ảnh hưởng công tác huấn luyện.
Các đại biểu cũng tán thành với các đề nghị sửa đổi khác, như bổ sung một số thành viên của ngành tư pháp, giáo dục, tài chính vào hội đồng nghĩa vụ quân sự; rút ngắn thời gian huấn luyện tập trung cho quân nhân dự bị hạng 2 chuyển lên hạng 1 từ 12 xuống 6 tháng... Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự sẽ được trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới.
Anh Thư