Theo hướng dẫn ban hành ngày 21/2 của Bộ Y tế, địa điểm cách ly F1 có thể tại nhà, nơi lưu trú; khu vực đủ điều kiện do địa phương, trường học bố trí. Sau 5 ngày cách ly, F1 được lấy mẫu xét nghiệm PCR, nếu kết quả âm tính thì tự theo dõi sức khỏe 5 ngày tiếp theo; báo cơ sở y tế nếu có dấu hiệu bất thường như sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác...
F1 chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm vaccine Covid-19 phải cách ly 7 ngày; tự theo dõi sức khỏe 3 ngày tiếp theo.
Định nghĩa về F1 vẫn được Bộ Y tế giữ nguyên như hồi cuối tháng 12/2021, gồm bốn trường hợp. Thứ nhất, người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể...) với F0 trong thời kỳ lây truyền của ca nhiễm. Thứ hai, người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp với F0 trong vòng 2 m hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu 15 phút.
Thứ ba, người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần F0 trong vòng 2 m hoặc ở cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền. Thứ tư, người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị F0 mà không sử dụng đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).
Tháng 12/2021, Bộ Y tế quy định F1 tiêm đủ liều vaccine hoặc từng là F0 khỏi bệnh, sẽ được cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày, tự theo dõi sức khỏe 7 ngày tiếp theo.
Thời gian cách ly này được cho là quá dài, ảnh hưởng đến việc học trực tiếp. Vì thế hôm 16/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Bộ Y tế rút ngắn thời gian cách ly, số lần xét nghiệm với F1 là giáo viên, học sinh để thúc đẩy mở cửa trường học.