Đề cập về kế hoạch điều chuyển hơn 300 xe ra khỏi bến Mỹ Đình mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng không nên máy móc sắp xếp xe đi hướng nào về bến hướng đó mà cần theo nhu cầu đi lại của người dân.
Ví dụ có 50 xe đi Thanh Hóa (phía nam) thì cần bố trí 40 xe về bến cùng hướng là Nước Ngầm, còn 10 xe vẫn phải để tại bến Mỹ Đình ở phía tây để phục vụ người dân khu vực này. Vì người dân ở Mỹ Đình xuống xe từ phía nam thì phải đi xe buýt hoặc taxi về nhà, gây phức tạp cho giao thông đô thị.
"Hà Nội cần tính toán lại thiết kế của các bến xe, nếu thật cần thiết thì mới điều chuyển xe vì sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại của dân, gây khó khăn cho các nhà xe và cần có lộ trình điều chuyển", ông Hùng bày tỏ.
Với kế hoạch xây dựng 2 bến xe tạm tại Nam Thăng Long và Pháp Vân để giảm tải cho bến Giáp Bát và Mỹ Đình, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Hà Nội không nên vội vã xây bến xe tạm vì sẽ gây lãng phí lớn, trong khi các bến chưa sử dụng hết công suất. Tại một số bến, thời gian xe đón khách rút ngắn thì lưu lượng xe hoạt động tăng lên là tất yếu, không thể coi là bến quá tải.
"Hà Nội cần rà soát quy hoạch, xây dựng bến xe phải gần khu dân cư, đầu mối giao thông chứ không phải cứ có đất là làm bến xe", ông Hùng nhận xét.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, cũng cho rằng nếu có khoảng 150 xe đi các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An về bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông) thì lưu lượng xe khách sẽ tăng mạnh trên quốc 70, đẩy tuyến này vào tình trạng ùn tắc. Trước đây, xe đi các tỉnh trên chạy ở đường trên cao vành đai 3 vào thẳng bến Mỹ Đình, không gây ách tắc nội đô. Nay hàng trăm xe đi ngược đường vào nội đô Hà Đông để đến bến xe Yên Nghĩa sẽ ảnh hưởng tới giao thông đô thị khu vực này.
Còn 20 ngày nữa là đến thời điểm phải di chuyển ra khỏi bến xe Mỹ Đình, song nhiều nhà xe vẫn "dậm chân tại chỗ". Họ liên tục gửi đơn thư đến các cơ quan liên quan phản đối việc điều chuyển. Sáng 24/7, một số doanh nghiệp vận tải tại Ninh Bình, Nam Định cho rằng đã hoạt động tại bến xe Mỹ Đình từ năm 2004, khi còn vắng khách. Họ đã vay hàng tỷ đồng đầu tư xe, đến nay hoạt động ổn định thì phải di chuyển sẽ gây khó khăn. Trong khi đó nhu cầu đi lại của người dân tại khu vực Mỹ Đình là khá lớn nên sẽ phát sinh nhiều xe dù vòng vo đón khách đi các tỉnh phía nam tại khu vực này.
"Chúng tôi làm ăn chân chính thì bị điều chuyển đến nơi ít khách, còn xe dù ở bến Mỹ Đình sẽ có lợi, người dân cũng thiệt hại", đại diện một doanh nghiệp vận tải Ninh Bình cho biết.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đưa ra kế hoạch điều chuyển 352 xe (khoảng 30% lượng xe) từ bến Mỹ Đình đến các bến xe khác theo chủ trương xe đi phía nào của thành phố sẽ về bến hướng đó.
Đoàn Loan