Theo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), từ 0h ngày 1/8, đơn vị sẽ điều chỉnh giảm khoảng 10% cước phí đối với xe tải loại 4 (có tải trọng từ 10 đến dưới 18 tấn và xe chở container 20 feet), xe tải loại 5 (từ 18 tấn trở lên và xe chở container 40 feet) trên đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ Quốc lộ 51 đến Dầu Giây.
Cụ thể, xe tải loại 4 giảm từ 150.000 đồng xuống còn 140.000 đồng; xe tải loại 5 giảm từ 240.000 đồng xuống còn 220.000 đồng. Còn mức phí của xe loại 1, 2 không đổi.
Theo VEC, động thái này nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải về việc tháo gỡ, chia sẻ một phần khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải, khuyến khích các doanh nghiệp vận tải sử dụng đường cao tốc trong lộ trình vận chuyển.
Để bù đắp các khoản thiếu hụt có thể xảy ra do việc điều chỉnh giảm phí, VEC thường xuyên tăng cường áp dụng các biện pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp...
Được khởi công vào tháng 10/2009, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài gần 55 km với quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120 km/h và tổng số vốn đầu tư là 20.630 tỷ đồng (vay của ngân hàng ADB, JICA và vốn đối ứng).
Dự án được chia thành 2 đoạn. Đoạn đầu từ nút giao An Phú đến Long Thành - Đồng Nai - dài 23,9 km đi qua quận 2, 9 (TP HCM); huyện Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai). Đoạn còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây dài 31,1 km đi qua huyện Long Thành; Cẩm Mỹ và Thống Nhất thuộc tỉnh Đồng Nai. Dự án là một bộ phận của hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam, nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sau khi toàn tuyến cao tốc này được đưa vào sử dụng, đoạn đường từ TP HCM đi Vũng Tàu chỉ còn 95 km với thời gian khoảng một giờ 20 phút thay vì 120 km và 2 giờ 30 phút như trước. Đồng thời, từ TP HCM đi Ngã ba Dầu Giây (Quốc lộ 1 và hướng đi Liên Khương) chỉ còn 50 km với thời gian một tiếng thay vì 70 km và mất đến 3 giờ do thường xuyên bị ùn tắc.
Hữu Công