Ngày 21/6, Quốc hội thảo luận Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Về hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên, dự thảo giữ như Bộ luật Hình sự hiện hành, gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn.
Tuy nhiên, dự thảo đề xuất mức hình phạt cao nhất với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi giảm xuống 15 năm thay vì 18 năm. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội giảm xuống 9 năm tù, hiện là 12 năm. TAND Tối cao cũng đề xuất bổ sung hình phạt cảnh cáo cho người chưa thành niên khi phạm tội ít nghiêm trọng; tội nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ; mở rộng trường hợp được cho hưởng án treo.
TAND Tối cao cũng đề xuất 11 biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội, nhằm thay thế thủ tục tố tụng hình sự để giáo dục, phòng ngừa mang tính xã hội. Trong đó có khiển trách; hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; xin lỗi người bị hại; bồi thường thiệt hại; tham gia chương trình học tập, dạy nghề; tham gia điều trị, tư vấn tâm lý bắt buộc; lao động công ích; cấm tiếp xúc; cấm đến một địa điểm nhất định; giáo dục tại xã, phường, thị trấn; giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó đoàn Hải Dương) cho rằng cơ quan soạn thảo cần "cẩn trọng trong việc xây dựng từng quy định của đạo luật" trong bối cảnh tội phạm ngày càng trẻ hóa. Nhiều vụ án được gây ra bởi người chưa thành niên mà thủ đoạn và hậu quả để lại vô cùng lớn, có những vụ gây rúng động xã hội.
"Nếu pháp luật không có những biện pháp, hình phạt phù hợp, nghiêm khắc, đảm bảo tính công bằng sẽ khiến nhân dân bức xúc, mất niềm tin", đại biểu bày tỏ.
Bà cũng lo ngại nếu các hình phạt quá nhẹ, có thể dẫn tới tình trạng nhiều đối tượng thanh niên lợi dụng chính sách để lôi kéo, xúi giục, thuê mướn họ thực hiện những hành vi phạm tội. Đồng tình luật cần đảm bảo tính nhân văn, tạo điều kiện cho người chưa thành niên nhận thức, khắc phục, song bà Nga đề nghị phải có tính giáo dục, răn đe nghiêm khắc.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM) đồng ý với cách tiếp cận "phi hình sự hóa" hành vi phạm tội của người chưa thành niên đối với một số tội danh và xử lý bằng chuyển hướng. Tuy nhiên, chính sách này cần cân nhắc rất thận trọng bởi có thể dẫn tới một số hệ lụy.
Ông đặt câu hỏi liệu khi chính sách được thông qua, có tạo xu hướng cho đối tượng xấu lợi dụng xúi giục, dẫn dắt, gài bẫy người chưa thành niên phạm pháp. Phản ứng của những người bị hại nói chung và những người bị hại chưa thành niên như thế nào? "Hoan nghênh mục đích tốt đẹp, nhưng mặt khác tôi thấy cần tiến hành một loạt đánh giá tác động kỹ hơn trước khi chúng ta đi tiếp những bước tiếp theo", đại biểu Nghĩa nói.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho rằng bên cạnh việc xử lý có tính hướng thiện, nhiệm vụ của luật này còn phải bảo đảm trật tự an toàn xã hội và bảo vệ nạn nhân, nhất là nạn nhân là người chưa thành niên. "Nếu chúng ta quá chú trọng đến việc bảo đảm lợi ích của người chưa thành niên phạm tội sẽ không công bằng với nạn nhân và với lợi ích chung của toàn xã hội", bà Hoa cảnh báo.
Bà nhấn mạnh chính sách hình sự dành cho người chưa thành niên phạm tội phải có tính cân đối, phù hợp tâm sinh lý nhưng bảo đảm tính răn đe, giáo dục họ trở thành công dân tốt cho xã hội.
Dẫn ý kiến một chuyên gia về pháp luật hình sự, bà Hoa nói "biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội phải mang tính nhân đạo, tuy nhiên không được thể hiện sự dễ dãi". Quá dễ dãi sẽ làm hỏng nhân cách khi người chưa thành niên đến tuổi trưởng thành. Bà đề nghị các điều khoản trong luật này cần thể hiện xuyên suốt được tinh thần nêu trên nhất là đối với các tội danh nghiêm trọng để không tạo ra sự bất công với người bị hại.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Phó đoàn Lâm Đồng) góp ý về biện pháp xử lý chuyển hướng về bồi thường thiệt hại. Ông nói đây là biện pháp xử lý khá phổ biến áp dụng đối với các đối tượng đã thành niên. Tuy nhiên, người chưa thành niên đang phụ thuộc vào kinh tế của gia đình nên việc có tiền để bồi thường thiệt hại là rất khó khăn.
"Sẽ có sự phân biệt đối xử giữa người có tiền và người không có tiền. Gia đình có điều kiện sẽ áp dụng biện pháp theo hướng xử lý chuyển hướng còn nhà nghèo thì không được", đại biểu này phân tích. Ông Tạo đề nghị dự luật phải quy định trách nhiệm liên đới bồi thường của bố mẹ, người dám hộ hoặc gia đình, anh chị em có liên quan.