Ngày 24/2, báo cáo kết quả bước đầu triển khai chuyên đề giám sát thực hiện nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, cả nước đã giảm hơn 3.400 cơ quan ở cấp xã, gần 430 cơ quan cấp huyện.
Ngoài số công chức xã, huyện, hơn 8.400 người hoạt động không chuyên trách cấp xã cũng được giảm. Hơn 16.300 thôn, tổ dân phố cũng được giảm, tương ứng bớt khoảng 48.900 người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở (chỉ tính tại 45 tỉnh sắp xếp đơn vị hành chính).
Ông Tùng dẫn báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2019-2021, số tiền tiết kiệm chi là hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, giảm chi hoạt động của chính quyền cấp huyện, xã hơn 1.100 tỷ đồng (giảm chi tiền lương và phụ cấp là hơn 780 tỷ đồng; còn lại là giảm chi hoạt động); giảm chi phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố khoảng 870 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đại diện cơ quan giám sát cho biết, quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã cũng đã bộc lộ nhiều vướng mắc. Đơn cử khi mở rộng phạm vi địa bàn quản lý, khối lượng công việc thủ tục hành chính, nhu cầu sử dụng dịch vụ công tăng, trong khi số lượng cán bộ, công chức phải cắt giảm.
Điều này tác động đến chỉ đạo, điều hành của đơn vị hành chính mới, đặc biệt là các huyện, xã miền núi, nông thôn có diện tích lớn, địa hình chia cắt, nhiều đồi núi, sông suối, dân cư rải rác, đi lại khó khăn. Việc khám chữa bệnh của người dân cũng gặp khó khăn do khoảng cách đến trạm y tế xa hơn...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Media Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý đoàn giám sát tiếp tục nghiên cứu kỹ báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, nhất là của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành. Trong đó, cần bổ sung đánh giá về tác động đối với người dân; tham khảo ý kiến của nhân dân đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính vừa qua. Việc này giúp cơ quan chức năng thấy quá trình làm "có chỗ nào chủ quan, duy ý chí không?".
Ông Huệ đề nghị đoàn giám sát yêu cầu Bộ Nội vụ báo cáo đánh giá cụ thể hơn về hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền cơ sở sau sắp xếp; yêu cầu các bộ ngành làm rõ hơn chi phí để sắp xếp đơn vị hành chính, ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương bố trí cho các xã, huyện so với giai đoạn trước tiết kiệm được bao nhiêu? Việc quản lý tài sản công cũng cần xây dựng báo cáo độc lập và chi tiết, tránh tình trạng lãng phí, thất thoát. Lộ trình giải quyết cán bộ cấp huyện, xã sau dôi dư cũng cần làm rõ.
Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua hồi tháng 3/2019. Đơn vị thuộc diện sắp xếp gồm các huyện, xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn; khuyến khích việc sắp xếp các đơn vị hành chính còn lại để giảm số lượng.
Tiêu chuẩn của huyện miền núi, vùng cao là dân số 80.000 và diện tích 850 km2 trở lên; huyện đồng bằng từ 450 km2; quận từ 35 km2 với dân số ít nhất 150.000. Còn quy mô dân số của xã là 5.000 đến 8.000 trở lên, diện tích từ 30 km2.