Trong cuộc gặp gỡ báo chí mới đây, ông Ousmane Dione (Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) cho rằng, để chống ùn tắc, việc các đô thị phát triển giao thông công cộng thay thế cho phương tiện cá nhân, trong đó có vận hành xe buýt nhanh (BRT) như Hà Nội đang triển khai là cần thiết.
“Tôi mong một ngày nào đó có thể sử dụng BRT đi làm”, ông nói và nhấn mạnh, ngoài BRT, Hà Nội phải sớm phát triển đồng bộ hệ thống giao thông công cộng, ví dụ như tàu điện ngầm (Metro)…
Trước việc buýt nhanh nhận được nhiều ý kiến trái chiều, ông Ousmane Dione nhận định có thể do đây là tuyến BRT đầu tiên ở Hà Nội, mọi người đang làm quen. “Hà Nội đã làm một làn đường riêng dành cho buýt nhanh, nếu người đi xe máy, ôtô cũng muốn đi vào làn đường đó thì việc thiết kế này sẽ chẳng có ý nghĩa gì nữa”, ông góp ý.
Từng sống ở nhiều thành phố lớn như Lima (Peru), Manila (Phillippines) hay Jakarta (Indonesia)…, ông Ounsmane Dione cho hay nếu không giải quyết tốt thì "ùn tắc giao thông sẽ là cơn ác mộng" với các đô thị, không chỉ làm chậm việc di chuyển của từng cá nhân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến cả nền kinh tế.
“Chúng ta cần dự đoán trước và sớm đưa ra giải pháp, nếu không vấn đề sẽ trở nên rất khó khăn”, ông Ousmane Dione nói và đề xuất Hà Nội chú ý đến quy hoạch đô thị, phát triển giao thông kết nối với 5 đô thị vệ tinh, "không nên tập trung quá vào khu vực nội đô".
Tuyến buýt nhanh số 1 Kim Mã - Yên Nghĩa vận hành chính thức ngày 1/1. Dự kiến Hà Nội sẽ mở tiếp tuyến buýt nhanh số 2 lộ trình Kim Mã - Hoà Lạc. Theo quy hoạch giao thông đến năm 2030 đã được phê duyệt thì Thủ đô sẽ có 8 tuyến BRT.
Anh Minh