Bén duyên với việc phát triển nước mắm Mami được sản xuất trong khu công nghiệp bảo tồn nước mắm Phan Thiết đến nhà xưởng đủ chuẩn để "xuất ngoại" từ năm 2008, anh Lê Bá Linh - Giám đốc Công ty Pacific Foods (tên cũ: Link Nature Power) xuất khẩu nước mắm sang Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản trong hơn 10 năm qua.
Để ổn định được nguồn hàng và đầu ra ở các kênh siêu thị, anh dành nhiều thời gian tìm hiểu thị trường, điều chỉnh lượng đạm trong công thức ủ chượp để phù hợp với khách hàng. Năm 2018, công ty được Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chọn là một trong 100 công ty để hỗ trợ bán hàng trên Amazon. Sau đó, Amazon chọn lọc hồ sơ được 20 công ty.
Pacific Foods mất 8 tháng để hoàn thiện sản phẩm mới cho thị trường này và các thủ tục liên quan để chính thức xuất hiện trên Amazon vào đầu năm 2019. Sàn thương mại điện tử này chấp thuận khi xác định các công ty có nguồn gốc rõ ràng và thương hiệu phải được đăng ký sở hữu trí tuệ WIPO mới được làm các chương trình marketing để quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, họ truy xuất nguồn gốc cá và đánh bắt cá trong luồng xanh hải phận biển của Việt Nam và vùng miền chỉ dẫn địa lý rõ ràng. Bên cạnh đó, để có mã code sản phẩm xuất ra thế giới, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng hỗ trợ nhiều cho công ty làm nông sản Việt.
Đầu năm 2020, dịch Covid-19 xảy ra, ảnh hưởng đến kênh bán hàng truyền thống, kênh bán online trên Amazon được đẩy mạnh như một chiến lược trọng yếu. "Tuy nhiên, bán hàng trên Amazon thật sự không đơn giản và cần phải có đội ngũ thực thi chuyên sâu, mà để tìm được một đối tác tin cậy và phù hợp đi cùng rất khó vì mô hình kinh doanh này còn mới ở Việt Nam", anh Linh chia sẻ.
Giám đốc Công ty Pacific Foods cho biết thông thường ở Mỹ, nói tới nước mắm là sẽ nghĩ đến người Thái, vì sự phủ sóng rộng khắp của các thương hiệu nước mắm, gia vị xứ chùa Vàng. Điều này dẫn đến việc phải nghiên cứu thật kỹ khẩu vị và nhu cầu, ứng dụng nước mắm trong ẩm thực của thị trường Mỹ.
"Sản phẩm cho người Mỹ thì cần giảm độ mặn và mùi, điều này phải cải tiến ngay từ những bước đầu trong quá trình làm nước mắm. Vì thế, chúng tôi phải đầu tư chi phí và kỹ thuật để điều chỉnh sản phẩm, mẫu mã, nhãn mác, quy trình vận chuyển phù hợp. Kinh doanh đang ảnh hưởng bởi dịch bệnh mà vẫn đầu tư thêm nhưng tôi không chần chừ vì tôi biết mình phải bắt kịp xu thế", anh Linh nói.
Bên cạnh đó, anh Linh tìm đến đối tác có kinh nghiệm trong việc tìm hiểu thị trường thương mại điện tử thế giới để phối hợp marketing như tung ra chương trình cho người Mỹ dùng thử nước mắm và tiếp thu nhận xét của họ. Chiến dịch này ngoài vấn đề kinh doanh xuất khẩu còn là câu chuyện đưa thương hiệu Việt đến gần hơn với từng căn bếp người Mỹ, quảng bá nước mắm truyền thống Việt. Anh Linh và cộng sự vô cùng cẩn trọng từng bước, không muốn để lại sai sót hay "tiếng xấu" trên thị trường.
Ngoài các chứng nhận liên quan về sản phẩm do Cục Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) về nồng độ pH và hàm lượng histamine (dưới 400 ppm), Amazon còn muốn xác thực tính minh bạch của seller (người bán) - yếu tố quan trọng để được bán hàng trên sàn này. Trên Amazon, nước mắm Mami 10 độ đạm bán với giá 12,99 USD một chai 700ml; nước nắm Mami 30 độ đạm có giá 17,99 USD một chai (với tên seller là Link Nature Power).
Mỗi tháng, trung bình có 18.000 sản phẩm nước mắm Mami được bán ra thông qua Amazon. Trong đó nhóm khách hàng Mỹ và Canada, châu Âu chiếm tới 70%, khách hàng châu Á chiếm 30%. Con số này có thể nói là thành công trong con đường chinh phục căn bếp người Tây Âu bằng sản phẩm vốn được coi là mặn và mang mùi đặc trưng.
"Thị trường luôn cần sản phẩm chất lượng và phù hợp. Hôm nay thứ chúng tôi làm là ngon với họ, nhưng ngày mai sẽ có thứ người khác làm ngon hơn, nên chúng tôi quan tâm và dành tâm sức không ngừng nghỉ để nâng cao chất lượng sản phẩm", anh Linh chia sẻ về chiến lược giữ vững phát triển thị trường Mỹ nói chung và sàn thương mại điện tử nói riêng. Để đảm bảo chất lượng, Công ty Pacific Foods kiểm soát chặt chẽ các khâu, nhất là nguyên liệu đầu vào (cá và muối) và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo các chuẩn hiện hành.
Với những kinh nghiệm trong đầu tư và xuất khẩu, anh Linh có nhiều đường hướng để kinh doanh sản phẩm đa ngành nhưng lại chọn gắn bó với nước mắm dù nhiều doanh nghiệp Việt đã thực hiện. Anh muốn các làng chài, nhà xưởng nước mắm không chỉ dừng lại ở thị trường nhỏ mà muốn đưa sản phẩm nước mắm truyền thống Việt đi đến các căn bếp trên thế giới. Thay vào đó, anh đầu tư và kết nối để đưa xưởng ủ chượp thành nhà máy, đi theo nhiều tiêu chuẩn đáp ứng xuất khẩu. Với anh, yếu tố con người rất quan trọng. Anh muốn hướng các nhân viên của mình đến suy nghĩ làm bằng tâm huyết, làm vì sản phẩm Việt. Họ tạo giá trị cho thị trường, cũng là phát triển chính mình, không đơn thuần là đi làm nhận lương.
Trong năm nay, Pacific Foods ngoài việc tiếp tục phát triển xuất khẩu nước mắm Mami thì định hướng thêm thị trường nội địa. Đây sẽ lại là một con đường thêm nhiều cải tiến, đầu tư vì cần điều chỉnh sản phẩm theo khẩu vị người Việt. Hơn nữa, thị trường trong nước vô cùng cạnh tranh với hàng trăm doanh nghiệp nước mắm hiện hành nhưng anh Lê Bá Linh vẫn tin sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng và tiềm năng như cách anh đã lên sàn Amazon.
(Nguồn và ảnh: Công ty Pacific Foods)