TAND quận 5 (TP HCM) vừa thụ lý vụ kiện của bà Võ Thị Cẩm Loan (28 tuổi) - vợ bệnh nhân Trịnh Quang Sơn (55 tuổi, Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH Việt Nga) đối với Bệnh viện ĐH Y Dược.
Trong đơn kiện bà Loan cho biết, ngày 10/8/2015 ông Sơn được Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM chẩn đoán bị "rò động mạch chủ xoang hang". Ông được bác sĩ Trần Quốc Tuấn và ê kíp phẫu thuật.
Tuy nhiên, chỉ 4 giờ sau ca mổ, chồng bà Loan có biểu hiện lơ ngơ, mê man. Sang hôm sau, ông Sơn rơi vào tình trạng "bị mù mắt phải, tứ chi co rút cơ cứng và bị liệt hoàn toàn". Hiện, bệnh nhân phải theo dõi điều trị khắc phục hậu quả tại bệnh viện, trong tình trạng sống thực vật.
Sau khi chụp MR cắt lớp não, hội đồng chuyên môn kết luận ông Sơn bị tràn máu não, không thể cứu chữa.
Theo bà Loan, ngoài dấu hiệu không bình thường ở mắt, trước khi nhập viện sức khoẻ ông Sơn bình thường và không có dấu hiệu bệnh lý hay bệnh hiểm nghèo. Trước đó ông có đến Bệnh viện An Sinh, Bệnh viện 115 khám và điều trị nhưng được xuất viện để theo dõi điều trị nội khoa, bệnh viện không mổ.
"Do muốn điều trị dứt điểm nên chồng tôi đã đến Bệnh viện Đai học Y dược TP HCM khám lại, các bác sĩ chỉ định mổ", bà Loan viết trong đơn kiện và cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng của ông Sơn là do lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ Trần Quốc Tuấn và ê kíp thực hiện ca phẫu thuật "không có chuyên môn, tắc trách, vi phạm các quy định, quy trình về khám chữa bệnh".
Bà Loan cho biết thêm, trước khi mổ bệnh viện đã thu 365 triệu đồng, trong khi biểu phí của bệnh viện chỉ 30-40 triệu. Bệnh viện không công bố rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng của ông Sơn. Trường hợp của chồng bà được bệnh viện chẩn đoán là ca khó nhưng đã chỉ định bác sĩ "chuyên môn yếu không tiến hành hội chẩn liên khoa chuyên ngành".
Ông Sơn rơi vào tình trạng sống thực vật, bà Loan khẳng định không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe và tính mạng, mà thời điểm xảy ra vụ việc ông đang thực hiện dự án khu du lịch Việt Nga trị giá hàng trăm tỷ đồng tại Côn Đảo, chưa kịp bàn giao công việc dẫn đến dự án bị thiệt hại nặng nề. Gia đình bà phải bồi thường số tiền lớn cho các đối tác do không thể tiếp tục thực hiện dự án.
Không đồng ý với việc bệnh viện chỉ hỗ trợ 600 triệu đồng viện phí, bà Loan và gia đình khởi kiện yêu cầu bồi thường hơn 30 tỷ đồng.
Trao đổi với VnExpress, PGS.TS Trương Quang Bình – Phó giám đốc Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM - cho biết, bệnh của ông Sơn là dạng dị dạng về mạch máu. Muốn điều trị cần phải sử dụng hệ thống máy đưa các coil vào bít những vị trí rò rỉ. Sau khi chẩn đoán, ông Sơn có 18 vị trí bị rò và phải sử dụng số coil tương đương.
"Mỗi coil hiện có giá khoảng 15 triệu đồng, số tiền ông Sơn đóng cho bệnh viện trước khi phẫu thuật nhằm đảm bảo cho việc mua vật tư y tế tiêu hao sử dụng cho chính bệnh nhân", GS Bình giải thích.
Ông cho hay, bệnh viện đã mời các chuyên gia đầu ngành thành lập hội đồng chuyên môn và hội đồng cấp bộ để đánh giá về trường hợp của bệnh nhân. Kết quả xác định quy trình điều trị cho ông Sơn là "đúng quy trình". Tai nạn xảy ra là không mong muốn và nằm trong tỷ lệ 2-4% không thành công sau phẫu thuật theo y văn.
Theo GS Bình, bác sĩ chỉ định phẫu thuật cũng là người được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, đã thực hiện thành công trên 300 ca. Các thủ thuật viên cũng đảm bảo về chuyên môn nghiệp vụ.
"Sau tai nạn, bệnh viện có thiện trí hỗ trợ 600 triệu đồng viện phí nhưng không được chấp nhận. Số tiền gia đình bệnh nhân yêu cầu bồi thường là rất lớn, bao gồm cả các chi phí thu nhập bị mất… Hơn nữa, bệnh viện khẳng định không có lỗi nên việc giải quyết vụ án sẽ nhờ vào các cơ quan tố tụng", ông Bình nói.
Hải Duyên