Công ty TNHH Vĩnh Cát do Vũ Quang Trung cùng một số bạn bè sáng lập, hoạt động từ tháng 1/1999, kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp. Nhưng sau hơn 1 năm hoạt động, Vĩnh Cát không đem lại cho chàng doanh nghiệp trẻ này một đồng lãi nào mà vốn liếng ngày càng bị thâm hụt.
Trò... bán đi mua lại
Để tìm cách gỡ vốn, tháng 9/2000, Trung gặp Lê Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Quan Sơn, thuyết phục Bình tham gia một thương vụ mua bán phụ kiện máy tính. Trung đề nghị công ty của Bình ký hợp đồng mua phụ kiện của Vĩnh Cát, sau đó Trung sẽ chỉ định Bình bán ngay cho đơn vị khác. Việc mua của Quan Sơn chỉ là trên giấy tờ, Bình không phải xuất một đồng vốn nào ra cả, và Trung sẽ cho Bình được hưởng một khoản lãi sau khi trừ thuế... "trên giấy tờ" và hai bên cũng không cần tiến hành giao nhận hàng.
Thấy có cơ hội "bán danh ăn tiền", Bình đồng ý. Trung liền tìm gặp Nguyễn Đăng Sàng, cán bộ cửa hàng phụ tùng số 2 thuộc Công ty Phụ tùng Hà Nội, gạ gẫm bán lô hàng phụ kiện máy tính cho công ty này với kiểu mua bán tay ba: hàng Trung bán cho Quan Sơn sẽ được bán cho Công ty Phụ tùng Hà Nội, rồi chính Trung sẽ mua lại số hàng đó.
Biết việc Trung cố tình bày vẽ bán đi mua lại lòng vòng có dấu hiệu không đàng hoàng, nhưng vì hám lợi, Sàng đã đồng ý đứng ra "lo" mọi thủ tục mua bán của phía Công ty Phụ tùng Hà Nội. Trong thương vụ này, Trung "tạo điều kiện thuận lợi " cho cả hai đối tác bằng cách khi giao hàng tay ba, Trung sẽ kiểm tra, xác nhận quy cách phẩm chất hàng và chịu trách nhiệm niêm phong hàng trước khi đưa vào kho của Cửa hàng phụ tùng số 2, và sẽ đặt cọc trước 20% tiền giá trị lô hàng. Trung chỉ lấy ra số hàng tương đương với số tiền đã nộp vào, đồng thời phía Cửa hàng số 2 sẽ được lợi nhuận trị giá 1,8% giá trị tiền hàng ngay sau khi Trung lấy mỗi đợt hàng. Trung chỉ yêu cầu rất đơn giản là khi nhận hàng chỉ cần còn nguyên niêm phong của Công ty Vĩnh Cát.
Tiền thật - hàng dởm
Sau khi các đối tác tham lam mắc bẫy, Trung đã giao cho nhân viên của mình là Hoàng Minh Dũng, người có chuyên môn về thị trường máy tính, tìm mua... 59 vỏ máy CPU (chỉ có vỏ máy và bộ nguồn), với giá 180.000 đồng/chiếc. Sau đó, Trung cho dán niêm phong ngoài hộp, ghi hàng đã kiểm tra và đóng dấu Công ty Vĩnh Cát, trở thành những hộp đựng mặt hàng bộ CPU hoàn chỉnh, có giá bán tới 5 triệu đồng/chiếc.
Với 3 bộ hợp đồng do phía Trung soạn sẵn thể hiện sự mua bán giữa Vĩnh Cát với Quan Sơn, Quan Sơn với Công ty Phụ tùng Hà Nội và Công ty Phụ tùng Hà Nội bán hàng với Vĩnh Cát, Trung ký và đem cho các bên cùng ký, ngày 20/9/2000. Tổng cộng lô hàng danh nghĩa là Trung bán cho Bình trị giá hơn 327 triệu đồng, Bình bán cho Công ty Phụ tùng Hà Nội trị giá hơn 328 triệu đồng và Công ty Phụ tùng Hà Nội bán lại cho Trung số hàng trị giá hơn 334 triệu đồng.
Thực tế, Công ty Phụ tùng Hà Nội mua bán trực tiếp với Trung nên trực tiếp giao tiền mua hàng cho Trung, và hợp đồng, hoá đơn giữa Công ty Phụ tùng Hà Nội với Quan Sơn chỉ là hình thức. Và liên tục sau đó, Trung tổ chức ba bên ký tiếp 2 hợp đồng khác với số lượng và giá trị các hợp đồng ngày càng tăng, nhưng thực tế là Trung "chơi trò" gối tiền, xoay vòng hàng, lấy tiền lô hàng sau thanh toán cho lô hàng trước, lấy hàng của lô trước ra, mua thêm vỏ CPU dán niêm phong giả làm tăng lượng lô hàng.
Lật tẩy siêu lừa
Thấy việc rút tiền của Công ty Phụ tùng Hà Nội dễ dàng, liên tục từ cuối năm 2000 đến tháng 2 năm nay, Trung đã thực hiện thêm 6 hợp đồng mua đi bán lại như trên, trong đó 4 lần Trung trực tiếp ký mua lại hàng, 2 hợp đồng giả mạo chữ ký của Phó giám đốc Công ty TNHH Khánh Toàn, Nguyễn Trần Báu, để mua. Các thương vụ này, số lượng hàng nhiều hơn, thêm nhiều mặt hàng như máy in, màn hình LG, nhưng lại được ghi sai loại máy để nâng khống giá trị.
Với 9 lần mua bán quẩn quanh như trên, Trung đã được Công ty Phụ tùng Hà Nội thanh toán hơn 6,4 tỷ đồng. Trung đã dùng 780 triệu làm tiền đặt cọc cho Công ty Phụ tùng Hà Nội, thanh toán lại cho công ty này 4 lô hàng và một phần của 2 lô hàng khác với tổng số tiền hơn 2,8 tỷ đồng để giữ "chữ tín". Riêng 5 hợp đồng sau, Trung chỉ chuyển cho Cửa hàng phụ tùng số 2 gồm 530 vỏ CPU, 100 màn hình LG 14 inch... nhưng đã hợp thức hợp đồng và chứng từ với trị giá hàng lên tới hơn 2,6 tỷ đồng. Số tiền này khi Công ty Phụ tùng Hà Nội giao, Trung chiếm đoạt toàn bộ, không thanh toán lại cho Công ty Phụ tùng Hà Nội tiền mua hàng.
Thấy Trung "hẹn hò" nhiều lần, nhưng không trả nốt tiền mua hàng, thậm chí không đến lấy hàng nữa theo như hợp đồng, Công ty Phụ tùng Hà Nội mới nghi ngờ và tiến hành kiểm tra kho. Hàng vẫn còn niêm phong nhưng... hỡi ôi... màn hình thì không đúng chủng loại, bộ CPU thì không có ruột...
Bị lật tẩy, Trung đã cam kết trả nợ và thế chấp giấy tờ nhà, giấy tờ xe ôtô nhằm đảm bảo thanh toán, nhưng ngay sau đó lại giở trò, bán xe rồi chuồn vào TP HCM. Cơ quan Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội quyết định bắt khẩn cấp chàng giám đốc trẻ siêu lừa này. Biết không thể trốn được, Trung đã đến cơ quan công an làm việc.
Tại Cơ quan Điều tra, Trung đã thừa nhận toàn bộ những hành vi kể trên. Ngày 20/6, Cảnh sát kinh tế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Vũ Quang Trung với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
(Theo Pháp Luật)