Ông Trần Thiện Hà, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh thừa nhận, năm 2012, phần chi vượt của 7 lãnh đạo công ty là 1,3 tỷ đồng, trong số này ông có 200 triệu đồng.
“Phần chi vượt của lãnh đạo là do cách thức tính lương. Trước năm 2010, khi chưa là công ty TNHH một thành viên chúng tôi chia lương lãnh đạo theo hệ số, trách nhiệm. Đến khi chuyển sang loại hình công ty TNHH thì chưa xây dựng quỹ lương cho ban điều hành dẫn đến chi sai như hiện nay. Giám đốc xin nhận trách nhiệm về việc này”, ông Hà nói.
Theo kết luận của UBND TP HCM, Công ty công viên Cây xanh đã trả lương cho Giám đốc là 759 triệu đồng mỗi năm, Chủ tịch Hội đồng thành viên 691 triệu đồng, Phó giám đốc 609 triệu đồng và Kế toán trưởng 655 triệu đồng.
Công ty Công viên cây xanh tiền thân là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Sở Giao thông Vận tải TP HCM. Năm 2010, công ty này đã chuyển sang mô hình Công ty TNHH một thành viên trực thuộc UBND TP. Sau chuyển đổi, công ty đạt lợi nhuận gần 5,7 tỷ đồng (2010) và 6,6 tỷ đồng (2011). Lợi nhuận tăng đều, theo lãnh đạo của doanh nghiệp này, là nhờ hiệu quả hoạt động kinh doanh, làm thêm nhiều công trình dịch vụ ngoài hoạt động công ích.
Ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thoát nước đô thị TP HCM (UDC), hôm nay cũng hứa sẽ thực hiện đầy đủ mọi yêu cầu của UBND TP HCM.
Năm 2012, ông Lê Thanh Sơn đã nhận mức lương 2,6 tỷ đồng (hơn 200 triệu đồng mỗi tháng). Ngoài ra, Công ty của ông đã trả Chủ tịch Hội đồng thành viên 1,6 tỷ đồng, Kế toán trưởng 1,67 tỷ đồng, Phó giám đốc 969 triệu đồng.
Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị chia sẻ, việc chi lương như vậy là do công ty thực hiện trả theo năng suất lao động, làm bao nhiêu thì được hưởng bấy nhiêu. Năm 2012, ban lãnh đạo được hưởng nhiều là do công ty có mở rộng sản xuất ra một số lĩnh vực thi công và xây dựng nên lợi nhuận và doanh thu tăng cao.
"Công ty đã chi lương cho người lao động và Ban quản lý cao, vi phạm quy định của nhà nước nên công tác thu hồi công ty sẽ hoàn tất trong tháng 9. Ngoài ra, công ty sẽ tiến hành ngay các biện pháp khắc phục hậu quả để khôi phục quyền lợi và đền bù thiệt hại cho người lao động theo đúng quy định của Bộ luật lao động", Giám đốc Lê Thanh Sơn khẳng định.
Trước đó, ông Trần Trọng Huệ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Chiếu sáng công cộng TP HCM (đã nhận lương 2,4 tỷ đồng năm 2012) cũng chia sẻ, doanh nghiệp của ông khác với đơn vị hành chính nhận lương từ ngân sách, thu nhập của người lao động phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh. Việc không cào bằng lương đã kích thích tinh thần sáng tạo của mọi người, năm sau doanh thu tăng hơn năm trước. Năm 2012, với vốn điều lệ 82 tỷ đồng, nhưng công ty lãi hơn 130 tỷ đồng. Tuy nhiên, với kết luận của Phó chủ tịch UBND TP HCM, ông Huệ khẳng định sẽ "chấp hành đầy đủ" các yêu cầu của TP.
Văn phòng UBND TP HCM ngày 27/8 có thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà về việc 4 công ty thuộc khối công ích chi lương lãnh đạo cao bất thường, gấp hàng chục lần so với người lao động. Phó chủ tịch Lê Mạnh Hà đã yêu cầu Công ty Thoát nước đô thị phải thu hồi 3,2 tỷ đồng (của 7 viên chức quản lý), Công ty Công trình giao thông Sài Gòn phải thu hồi 554 triệu đồng (của 7 viên chức quản lý), Công ty Chiếu sáng công cộng phải thu hồi 2,5 tỷ đồng.
Trong phiên họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 28/8, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Vũ Đức Đam cũng đã khẳng định, việc lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích tại TP HCM nhận lương tiền tỷ là không đúng so với các quy định hiện hành và cần được xử lý. Theo Quy định tại Nghị định 50 và 51 của Chính phủ, mức lương cao nhất được quy định cho Chủ tịch Hội đồng thành viên một doanh nghiệp Nhà nước là 36 triệu đồng một tháng, tương đương 432 triệu đồng một năm. Trong trường hợp doanh nghiệp làm ăn tốt, lãnh đạo có thể được thưởng thêm song tối đa không quá 1,5 lần mức lương nêu trên.
Nhóm phóng viên