Chiều 29/3, sau hai ngày xét xử, TAND TP HCM tuyên phạt ông Trương Anh Kiệt (57 tuổi, nguyên giám đốc Bệnh viện Bưu điện 2) mức án 6 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Liên quan đến vụ án, cấp dưới của ông Kiệt là Phạm Văn Sửu (51 tuổi) và Trương Bích Nguyệt (53 tuổi, nguyên trưởng phòng tài chính kế toán, Kế hoạch tổng hợp bệnh viện) nhận 3-4 năm tù về cùng tội danh.
HĐXX đánh giá hành vi của ông Kiệt và đồng phạm là nghiêm trọng nhưng phần lớn thiệt hại đã được khắc phục, các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ... nên tòa xem xét giảm một phần hình phạt.
![giam-doc-benh-vien-rut-ruot-tien-cho-nhan-vien-linh-6-nam-tu](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2016/03/29/benh-vien-2931-1459248797.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UJKwb3gJzVfOG_j2a1q7sA)
Hiện còn khoảng 400 triệu đồng đã trả lương cho nhân viên chưa được thu hồi. Ảnh: Hải Duyên.
Bản án xác định, Bệnh viện Bưu điện 2 là đơn vị tự chủ về tài chính, nguồn thu chủ yếu từ viện phí, bảo hiểm y tế và kinh phí cấp hỗ trợ của tập đoàn VNPT. Trong quá trình quản lý Bệnh viện Bưu điện 2, giám đốc Kiệt đã đưa ra chủ trương tạo nguồn thu cho toàn bệnh viện bằng cách nâng khống lượng bệnh án, sau đó rút tiền của tập đoàn VNPT chi trả chi phí hoạt động và tăng lương cho cán bộ nhân viên.
Ông Kiệt chỉ đạo Sửu, Nguyệt hợp thức hóa hồ sơ của các đoàn cán bộ thuộc VNPT đến khám, về trong ngày để lập hồ sơ khống thành điều dưỡng, điều trị nội trú.
Từ năm 2009 đến 2011, ông Kiệt chỉ đạo Phòng tài chính khai khống hơn 13.000 hồ sơ bệnh án với hơn 85.000 ngày điều dưỡng và hơn 46.000 ngày điều trị nội trú, nhận quyết toán của VNPT gần 28 tỷ đồng. Số tiền này ngoài việc chi cho các hoạt động của bệnh viện, giám đốc Kiệt đưa vào quỹ lương chia cho cán bộ bệnh viện. Trong đó ông Kiệt hưởng hơn gần 100 triệu đồng, Nguyệt và Sửu nhận hơn 70 triệu.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, ông Kiệt thừa nhận sai phạm. Nguyên giám đốc bệnh viện cho rằng, vào thời điểm năm 2008, bệnh viện gặp nhiều khó khăn, các chi phí cũng như giá thuốc tăng cao. Là người đứng đầu ông phải lo cho đời sống của hàng trăm cán bộ công nhân viên nên phải tìm giải pháp trên.
Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa phân tích, việc cải thiện đời sống cho nhân viên là cần làm và phải làm nhưng việc khai khống hồ sơ để lấy tiền quyết toán của VNPT để chi cho việc đó là không đúng.
Còn bị cáo Nguyệt cho rằng, khi bệnh viên họp đưa ra chủ trương bà đã không đồng ý và cho là sai phạm nhưng do toàn bệnh viện họp và thông qua nên bà phải thực hiện. Cựu trưởng phòng kế hoạch tổng hợp từng viết đơn xin từ chức vì không muốn làm "nhưng sếp Kiệt nói không sai". Bị cáo Sửu cũng cho biết làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Sau khi vụ án xảy ra, Bệnh viện Bưu điện 2 đã khắc phục phần lớn thiệt hại cho tập đoàn. Hiện còn khoảng 400 triệu đồng tiền đã chi trả lương cho cán bộ công nhân viên chưa được thu hồi. Tòa cũng buộc nguyên giám đốc Kiệt và hai cấp dưới có trách nhiệm hoàn trả khoản tiền này.
Hải Duyên