Ông Thượng nói như trên tại Hội nghị tổng kết đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương, kế hoạch năm 2024 tại TP HCM, sáng 6/8, dẫn chứng "thành công vực dậy" Bệnh viện Mắt TP HCM từ sau cuộc thi tuyển giám đốc vào năm 2022. Khi đó, bác sĩ Lê Anh Tuấn đang là phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, đã trúng tuyển chức danh Giám đốc Bệnh viện Mắt và lãnh đạo bệnh viện đến nay.
"Chúng tôi tìm một nhà lãnh đạo giỏi chứ không đặt nặng một bác sĩ chuyên môn cao", bác sĩ Thượng giải thích.
Bác sĩ Tuấn là bác sĩ đầu tiên trúng tuyển chức danh giám đốc bệnh viện tại TP HCM. Vốn là bác sĩ chuyên ngành điều trị ung thư, ông Tuấn trở thành giám đốc bệnh viện chuyên khoa khối công lập đầu tiên không có chuyên môn y khoa mà bệnh viện mình đang hoạt động.
Thời điểm đó, Bệnh viện Mắt trải qua khủng hoảng nhân sự nghiêm trọng. Toàn bộ Ban giám đốc bệnh viện bị bắt trong vụ án về mua sắm đấu thầu, chỉ còn một phó giám đốc tạm điều hành hoạt động. Việc thiếu giám đốc khiến bệnh viện gặp khó khăn trong quản lý, đặc biệt là công tác đấu thầu, mua sắm thuốc và vật tư y tế, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh nhân.
Sở Y tế quyết định tổ chức thi tuyển Giám đốc Bệnh viện Mắt, song đến ngày hết hạn nhận hồ sơ chỉ có một ứng viên nộp đơn. Sở Y tế phải rà soát các lãnh đạo bệnh viện hạng 2, phó giám đốc bệnh viện hạng 1 để vận động, thuyết phục họ dự thi. Kết quả, 28 ứng viên đăng ký trong đó 25 người đủ điều kiện thi. Họ phải trình bày phương án vực dậy bệnh viện, thể hiện hiểu biết về những vấn đề nóng của ngành y tế như đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, công tác thanh quyết toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, những khó khăn trong công tác tự chủ bệnh viện, an toàn người bệnh, nhân viên y tế nghỉ việc...
Qua các vòng thi, bác sĩ Tuấn có điểm cao nhất và trúng tuyển. Giám đốc Bệnh viện Mắt TP HCM là một trong 13 vị trí lãnh đạo được bổ nhiệm thông qua thi tuyển năm 2022 của TP HCM.
"Đây là một cái ghế rất nóng", bác sĩ Tuấn nói, thêm rằng quá trình tiếp quản đã "gặp khó khăn hơn tưởng tượng", trong đó có việc cán bộ sợ tham gia công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế. Khó khăn hơn nữa là ngay sau đó Bệnh viện Mắt phải tiến hành kiểm điểm hơn 20 cán bộ chủ chốt. "Tôi cảm nhận được nhiều cán bộ còn hoài nghi về tôi, một người không có chuyên môn về nhãn khoa nhưng lại được giao nhiệm vụ làm giám đốc bệnh viện mắt lớn nhất khu vực phía Nam", bác sĩ Tuấn kể.
Hơn một năm qua, lãnh đạo Bệnh viện Mắt đã xây dựng lại quy trình hoạt động, tổ chức mua sắm đấu thầu thuốc và thiết bị đủ để điều trị bệnh nhân, đề xuất thí điểm mô hình hội đồng quản lý bệnh viện. Hiện mỗi ngày bệnh viện điều trị 4.000-4.500 bệnh nhân, thực hiện 700-750 ca phẫu thuật, đăng ký Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phê duyệt 5 kỹ thuật cao về nhãn khoa lần đầu thực hiện tại Việt Nam. Bác sĩ Tuấn được tập thể đánh giá 100% tín nhiệm cao.
"Kết quả này cho thấy việc lựa chọn và bổ nhiệm chức danh giám đốc từ thi tuyển công khai là hình thức cần khuyến khích", ông Thượng nói, thêm rằng thi tuyển nhằm kịp thời bổ sung nhân sự lãnh đạo, quản lý chất lượng, đặc biệt đối với các đơn vị đang có biến động, khó khăn hoặc chưa có nguồn nhân sự kế cận để bổ nhiệm.
Năm 2024, TP HCM sẽ mở rộng thi tuyển lãnh đạo sở, ngành. Dự kiến thành phố tổ chức thi tuyển chức danh phó giám đốc tại 4 sở gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao, Lao động - Thương binh và Xã hội. Các đơn vị còn khuyết thiếu lãnh đạo có thể đăng ký với Sở Nội vụ để tổ chức thi tuyển trong năm nay.
Năm 2022, đã có 7 cơ quan, đơn vị trên địa bàn hoàn thành thi tuyển 13 chức danh lãnh đạo như giám đốc Bệnh viện Mắt TP HCM, phó hiệu trưởng một số trường công lập, trưởng phòng thuộc Sở Công Thương...
Lê Tuyết