Thông tin trên được ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, nêu trong buổi họp báo Triển vọng phát triển châu Á sáng 9/4.
Môi trường kinh tế toàn cầu thay đổi bởi chính sách thuế quan mới công bố từ Mỹ cùng căng thẳng địa chính trị. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các nền kinh tế tăng trưởng phụ thuộc xuất khẩu. Nhìn ở góc độ tích cực, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam tận dụng vị thế mạnh mẽ với các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Thực tế, kể từ sau cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung từ năm 2017, các nước châu Á, trừ Trung Quốc, ngày càng phụ thuộc vào nhu cầu từ thị trường Mỹ. Theo thống kê của ADB năm 2023, trong khi Trung Quốc giảm tỷ lệ xuất khẩu sang đất nước cờ hoa ở mức 0,5% GDP, tỷ lệ này ở các nước Đông Nam Á (gồm Việt Nam) và Nam Á lại tăng mạnh.

Nguồn: ADB
Theo ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng ADB Việt Nam, tình trạng này khiến sức nặng của thuế quan của Mỹ lên Trung Quốc không còn lớn như trước. Nhưng với phần còn lại của châu Á lại là vấn đề.
Trước thách thức thuế quan, ông Chakraborty khuyến nghị Việt Nam đẩy nhanh việc thực hiện các FTA, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Một số thị trường lớn có thể nhắm tới là châu Âu, Anh, các nước châu Á như Hàn Quốc. Việc đa dạng hóa điểm đến xuất khẩu cũng giúp Việt Nam tăng cường hội nhập và phát triển kinh tế giữa bất ổn toàn cầu, qua đó giảm ảnh hưởng của thuế quan Mỹ.
Bản thân khối các nước Đông Nam Á (ASEAN) đang chủ động trao đổi cách thức hợp tác, ứng phó với tác động thuế quan Mỹ cũng như môi trường thương mại toàn cầu nói chung. "Nội khối cũng có tính cạnh tranh tự nhiên, nhưng việc Chính phủ các nước chủ động hợp tác có thể giúp khu vực ASEAN nâng tính ứng phó", ông Hùng nói.
Tính đến nay, Việt Nam đã ký và thực thi 17 FTA với nhiều đối tác lớn trên thế giới, gồm các hiệp định thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA (với EU), UKVFTA (với Anh).
Tại lễ công bố Bộ chỉ số về thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA Index) của các địa phương 2024 ngày 8/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói Việt Nam xác định hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt thông qua các FTA, là cánh cửa quan trọng kết nối với thế giới. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục cho người dân, doanh nghiệp.
Thúc đẩy thị trường nội địa và tiêu dùng trong nước cũng là giải pháp chuyên gia ADB khuyến nghị nhằm tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trước bất ổn thuế quan.
Với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ông Hùng nhận định nhà đầu tư nước ngoài lập kế hoạch và ra quyết định dựa trên triển vọng đầu tư dài hạn. Trong khi đó, chính sách thuế quan của Mỹ vẫn còn không gian đàm phán, tức chưa rõ ngưỡng chịu thuế cuối cùng và khoảng thời gian áp dụng. Chuyên gia ADB cũng thêm rằng Tổng thống Donald Trump sẽ hết nhiệm kỳ vào 2028.
Giới chuyên gia ghi nhận Việt Nam đang thực thi cải cách lớn ở cấp Bộ, ngành, tiến tới các tỉnh, thành. Bên cạnh đó, họ khuyến nghị đẩy mạnh liên kết trong nước với các công ty nước ngoài hàng đầu, cải thiện việc tham gia của doanh nghiệp vừa và nhỏ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, việc giảm bớt gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ đem lại hiệu quả dài hạn.
Về triển vọng kinh tế năm 2025, ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,6% trong năm nay và 6,5% trong năm kế tiếp. Dự báo này chưa tính đến ảnh hưởng thuế quan từ Mỹ, bởi giới chuyên gia cho rằng còn quá sớm để đưa ra một dự báo mang tính định lượng.
Thủy Trương