Việt Nam là một trong những nước sản xuất nhiều dừa trên thế giới. Ảnh: infobarrel.com. |
Nhiều loại cây lương thực có một bộ phận nào đó cứng và không ăn được. Người ta cũng không dùng những phần đó để nuôi gia súc hay làm phân bón trên các cánh đồng. Ví dụ về loại phế liệu này – được gọi là “vỏ quả trong” - bao gồm vỏ hạnh nhân, vỏ dừa và vỏ quả hồ trăn, hạt xoài, hạt ô liu, hạt mận, hat mơ, hạt anh đào.
Vỏ quả trong chứa lignin, một hợp chất hóa học, với hàm lượng lớn. Các sản phẩm giàu lignin có thể bị đốt để tạo ra một loại khí giàu năng lượng. Người ta có thể dùng khí đó để sản xuất điện.
Trang Science and Development Network đưa tin, trong quá trình tìm kiếm những vùng sản xuất nhiều vỏ quả trong, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng dừa chiếm tới 55% tổng lượng nông sản có vỏ quả trong trên toàn thế giới. Con số này là 17% đối với xoài. Phần lớn dừa được sản xuất tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á - bao gồm Banglades, Lào, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam.
Tom Shearin, một nhà phân tích hệ thống của Đại học Kentucky tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp nhận thấy năng lượng từ nông sản có vỏ quả trong có thể đáp ứng 30% nhu cầu điện tại Sri Lanka. Tỷ lệ tương tự tại Philippines, Indonesia và Ấn Độ lần lượt là 25%, 13% và 3%.
Việc sử dụng phần không ăn được của xoài và dừa để sản xuất điện sẽ không vấp phải sự phản đối của giới chuyên gia do chúng không cạnh tranh với những cây lương thực, Shearin nhận định.
Wais Kabir, Chủ tịch của Viện nghiên cứu Nông nghiệp Bangladesh, nói rằng hầu hết phế thải nông nghiệp của đất nước, bao gồm cả phế thải từ các sản phẩm không ăn được, đã được sử dụng để sản xuất năng lượng sinh học. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng lượng phế thải từ nông sản - chẳng hạn như vỏ quả dừa - chưa đủ lớn để đáp ứng hoạt động lâu dài của nhà máy điện. Muốn tạo ra nguồn nguyên liệu đủ lớn cho các nhà máy điện, con người phải lập kế hoạch sản xuất chúng với quy mô lớn.
Phùng Phương