Cậu con trai lớn Đăng Quang nay đã 11 tuổi. Ở cái tuổi này con cá tính, muốn thể hiện bản thân và bắt đầu làm những việc theo sở thích của mình. Ngoài tiền ăn sáng mỗi ngày, tôi thường cho con thêm 100.000 đồng để tiêu vặt mỗi tuần. Vì ở trường, các bạn của Quang vẫn thường xuống căn tin mua đồ ăn vặt, nước uống...tôi không muốn con thiệt thòi, nên cho con thêm một khoản để chi tiêu.
Nhưng sau một thời gian, tôi phát hiện con dùng tiền này để chơi game trong các tiệm nét sau giờ học hoặc các ngày cuối tuần. Đây là việc tôi nghiêm cấm con, vì nó vừa ảnh hưởng sức khỏe và cả trí tuệ của con nữa. Tôi rất giận, đã la con một trận và cắt luôn tiền tiêu vặt. Dù con đã xin lỗi và hứa không chơi game nữa, tôi không tin vì một khi đã chơi game, con rất dễ bị nghiện và khó từ bỏ.
Tuy nhiên, tôi thấy việc chỉ trích con không phải cách tốt và có thể khiến con có tâm lý phản kháng. Tôi đã nhiều lần nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu tác hại của việc chơi game và khoản tiền cho con là để con dùng để mua đồ ăn, thức uống cần thiết hoặc con dành để mua quà sinh nhật, tham gia các tiệc nhỏ cùng bạn bè. Nếu con dùng hết tiền vào chơi game con sẽ không còn tiền để dùng lúc cần nữa.
Sau nhiều lần nghe mẹ phân tích, Quang cũng dần hiểu ra. Nhưng để con áp dụng triệt để, tôi cùng con lên kế hoạch cho việc chi tiêu. Tôi tiếp tục cho con 100,000 đồng/tuần. Với khoản này, con cần lên kế hoạch cụ thể: viết ra số tiền cần tiêu mỗi ngày ở trường, con thường ăn gì, uống gì và hết bao nhiêu tiền; liệt kê sinh nhật của các bạn cần đi trong tháng nếu có, tính ra một khoản để mua quà; đồ dùng học tập có cần mua gì trong tháng không, nếu có thì mất bao nhiêu?
Thường tiền sinh nhật bạn hoặc mua đồ dùng học tập phát sinh, con sẽ xin tiền tôi để mua. Nhưng vì muốn con có trách nhiệm với tiền và nhu cầu của mình, tôi muốn con có kế hoạch cụ thể và tôi sẽ góp một phần nếu số tiền của con không đủ.
Đưa ra yêu cầu này, tôi thấy con khá áp lực. Thời gian đầu, thấy con còn gượng ép, vì muốn giữ tiền nên con hạn chế việc mua đồ dùng học tập, bút hết mực Quang mượn của em Châu để dùng. Nhưng việc đó không kéo dài vì Quang không muốn phải mượn đồ của người khác nữa mà thích dùng đồ của mình. Nên Quang đã tự cân đối và sau gần 3 tháng, tôi thấy con đã chủ động hơn.
Cho con tiền tiêu vặt là việc nên làm vì thời buổi này cái gì cũng cần tiền, học ở thành phố nên tôi không muốn con bị thiệt thòi. Nhưng con còn nhỏ chưa ý thức được việc kiếm tiền vất vả, nên sẽ không biết cách chi tiêu, hơn nữa rất dễ sa đà vào các trò chơi, hoạt động không đáng. Tôi thực sự rất lo lắng. Nhưng sau khi thấy Quang chịu hợp tác với mẹ, tôi yên tâm phần nào. Đúng là với các con, phụ huynh nên bớt chỉ trích, tăng chỉ dẫn và đồng hành cùng con để hướng con đến điều tốt nhất nhé.
Nguyễn Thị Ngọc Hà
Prudential và VnExpress phối hợp tổ chức cuộc thi "Cha-Ching - Bé giỏi tiền hay" từ ngày 9/6 đến 21/7. Cuộc thi không chỉ giúp cha mẹ và con cái cùng nhau học thêm cách quản lý tiền mà còn là một cơ hội giúp cả nhà gắn kết hơn cũng như nhận phần thưởng bằng tiền mặt hkấp dẫn. Trong đó, cơ cấu giải thưởng bao gồm: một giải Nhất trị giá 10 triệu đồng; hai giải Nhì, mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 5 giải Ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 5 giải Yêu thích thông qua bình chọn của độc giả, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng. Ngoài ra, 20 bài dự thi có chất lượng tốt nhất được chọn vào chung khảo sẽ nhận 500.000 đồng và một con heo đất của Prudential.
Xem chi tiết thể lê cuộc thi tại đây.
Gửi bài dự thi tại đây