Sau thành công của hai giải toàn quốc các năm 2022 và 2023, bóng chày Việt Nam tiếp tục sôi động với giải đấu đầu tiên mang mô hình địa phương. Sáu CLB bóng chày trên địa bàn Hà Nội với hơn 200 VĐV Việt Nam và quốc tế sẽ tranh tài trong năm tuần, để tìm ra nhà vô địch của kỳ giải đầu tiên tại Thủ đô.
Từ 24/9 đến 8/10, các trận đấu vòng bảng diễn ra vào sáng Chủ nhật hàng tuần trên sân Hanoi Dragon Rugby Field, Tân Mỹ. Bảng A gồm các đội Hanoi Archers, Devil Bats, Hanoi Phantoms còn bảng B gồm Hanoi 29ers, HRO và Alligator. Các đội thi đấu theo thể thức vòng tròn một lượt, chọn ra hai đội nhất nhì mỗi bảng vào đấu bán kết sáng 15/10. Trận chung kết và lễ bế mạc diễn ra ngày 22/10.
"Tại nơi được coi là cái nôi của bóng chày tại Việt Nam, chúng tôi tự hào tổ chức giải bóng chày không chuyên đầu tiên tại thủ đô Hà Nội", ông Tô Duy, trưởng ban tổ chức giải chia sẻ trong lễ khai mạc. "Bóng chày đang dần trở thành môn thể thao quen thuộc với người Việt Nam. Giải đấu diễn ra với mục đích xây dựng phong trào tập luyện môn thể thao này và phát triển cộng đồng yêu thích bóng chày tại Hà Nội".
Kể từ khi Liên đoàn Bóng chày và Bóng mềm Việt Nam được thành lập năm 2021, Hanoi Baseball Major Series được xem như giải lớn thứ ba, sau hai giải bóng chày toàn quốc lần lượt được tổ chức tại TP HCM và Hà Nội các năm 2022 và 2023. Sau khi giải vô địch bóng chày Hà Nội kết thúc, các giải đấu ở miền Trung và miền Nam dự kiến sẽ được tổ chức để chọn ra các đội tuyển mạnh nhất góp mặt ở giải tổng vào cuối mùa.
Giải vô địch bóng chày Hà Nội ra đời dựa trên tâm huyết của nhiều tổ chức và cá nhân, với mong muốn quảng bá hình ảnh bộ môn này đến gần hơn với người hâm mộ, và nâng cao trình độ chuyên môn của đội hình VĐV bóng chày trên địa bàn thủ đô. "Chúng tôi mong rằng giải đấu sẽ là cú hích cho môn bóng chày tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, để trong tương lai người dân sẽ có thêm một loại hình giải trí, thể dục thể thao lành mạnh mỗi cuối tuần", ông Tô Duy nói thêm.
Ở Đông Nam Á, bóng chày Việt Nam đang được xem là "vùng trũng", với trình độ chuyên môn còn kém các quốc gia trong khu vực. Những giải đấu lớn được tổ chức với tần suất ngày một lớn hứa hẹn thúc đẩy sự phát triển của bóng chày tại Việt Nam, giúp tìm ra những "viên ngọc thô". Thông qua các giải đấu, các VĐV xuất sắc cũng sẽ được tuyển chọn vào đội tuyển quốc gia, để học hỏi, cọ xát, cố gắng có thành tích ở SEA Games 33 năm 2025.
Bóng chày đều đặn góp mặt trong các kỳ Thế vận hội từ khi chính thức trở thành một bộ môn thi đấu Olympic năm 1992. Ở Asiad 19 đang diễn ra tại Trung Quốc, Việt Nam không cử đội tuyển tham gia tranh tài ở môn thể thao này.
Bóng chày có nguồn gốc từ các nước châu Mỹ và phát triển mạnh mẽ ở Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng ở Đông Nam Á lại ít phổ biến. Từ thập niên những năm 90, bóng chày bắt đầu du nhập vào Việt Nam thông qua quan hệ hợp tác của các tập đoàn kinh tế, ngoại giao và một số tổ chức quốc tế.
Hiện nay, phong trào tập luyện và thi đấu bóng chày ở Việt Nam đã và đang thu hút khá đông người tham gia, đặc biệt ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các liên đoàn non trẻ hầu hết hoạt động từ nguồn xã hội hóa.
Vy Anh