Ông Bảo tường trình: “Việc xử lý đơn kêu oan cho chồng của bà Phan Thị Trúc, theo nhận thức của tôi lúc đó, không cho đây là vấn đề gì đặc biệt, nên không in sâu vào tâm khảm của tôi”. Ông cho rằng, trừ một số vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các cơ quan chức năng, còn đại đa số, trong đó có ông, chưa biết rõ bộ mặt thật của Năm Cam.
Nguyên vụ trưởng Vụ Nội chính VPCP khẳng định, với kinh nghiệm hơn 30 năm làm công tác nội chính, trong đó có hơn 10 năm trực tiếp giúp việc các vị đứng đầu hai ngành công an, kiểm sát, khi nhận được đơn của Phan Thị Trúc gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kêu cứu việc chồng là Năm Cam bị tập trung cải tạo oan, ông đã “giải quyết công việc hết sức thận trọng, tỉ mỉ, đúng nguyên tắc”.
Ông đã trao đổi bằng điện thoại với một số vị lãnh đạo Bộ Nội vụ và VKSND Tối cao, và nhận thấy “ý kiến của hai cơ quan chức năng chủ chốt này còn rất khác nhau, và ngay trong lãnh đạo Bộ Nội vụ lúc đó ý kiến cũng không thống nhất”. Vì thế, ông đã giao cho chuyên viên pháp luật Vụ Nội chính là Trần Văn Sơn (nay đã chuyển sang Vụ Khiếu tố), người được phân công xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo lĩnh vực hình sự, làm việc này.
Chuyên viên Trần Văn Sơn đã lấy giấy giới thiệu do Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) lúcđó là ông Đoàn Mạnh Giao đến Cục Quản lý trại giam (V26 Bộ Công an) và trường giáo dưỡng, để tìm hiểu sâu hơn. Sau đó, VPCP đã phát hành công văn đề nghị Bộ Nội vụ và VKSND Tối cao có ý kiến chính thức về vấn đề xử lý đơn của bà Phan Thị Trúc.
Tuy không nhớ thời điểm chính xác, nhưng ông Bảo khẳng định: “Tôi đã báo cáo miệng việc này cùng nhiều vấn đề khác với Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó. Thủ tướng đã cho ý kiến về các vụ việc do tôi báo cáo nhưng không nói gì về đơn thư kêu cứu của vợ Năm Cam, nên tôi không báo cáo lại Phó chủ nhiệm VPCP phụ trách nội chính để ra thông báo về vấn đề này”.
Trao đổi với báo chí, ông Võ Văn Kiệt nói: “Lẽ ra lúc ấy phải nói rõ bà Trúc là vợ Năm Cam thì tôi đã chú ý và đã có ý kiến, chứ nói chung chung là bà Trúc, trong số rất nhiều người gửi đơn khiếu nại lên Thủ tướng thì làm sao tôi biết bà ta là ai”.
Về các văn bản đến VPCP có liên quan đến việc giải quyết đơn của bà Phan Thị Trúc mà không đến tay Thủ tướng, ông Bảo giải thích: “Những văn bản của Bộ Nội vụ và VKSND Tối cao lúc đó không gửi Thủ tướng mà chỉ gửi cho VPCP. Những văn bản loại này, hàng năm tới VPCP hàng vạn và hàng vạn. Theo quy trình chung ở VPCP từ trước tới nay, chúng tôi không phải trình Thủ tướng về những văn bản ấy, vì quá nhiều, không có bộ máy và biên chế nào làm nổi việc đó”.
Sau đó, VKSND Tối cao và Bộ Nội vụ đã thoả thuận thế nào để đi đến quyết định trả tự do cho Năm Cam, ông Bảo khẳng định là mình không hề biết. Tuy nhiên, ông đặt câu hỏi: “Tại sao một vấn đề mà hai cơ quan chức năng chủ chốt lúc đó cho là rất nghiêm trọng có liên quan đến một tên trùm xã hội đen như Trương Văn Cam mà lãnh đạo hai cơ quan này lại không cùng trao đổi, bàn bạc kỹ và trực tiếp trình lên đồng chí Võ Văn Kiệt, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, phụ trách công tác nội chính? Cho tới khi Văn phòng chính phủ có công văn hỏi thì hai cơ quan trên mới gửi hai công văn với nội dung đề xuất trái ngược nhau và đồng gửi VPCP”. Ông Bảo cũng không hiểu: “Tại sao không có ý kiến của đồng chí Võ Văn Kiệt mà lại ra quyết định tha Trương Văn Cam trước thời hạn?”.
Ở nước ngoài, khi nghe tin Năm Cam lần này bị bắt, ông Bảo “hết sức bất ngờ và choáng váng”. Tại bản tường trình, ông Bảo đã tự đặt câu hỏi: “Tại sao dưới chế độ chúng ta mà một băng xã hội đen hoạt động cực kỳ tàn bạo và trắng trợn lại tồn tại nhiều năm nay ở những thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội”. Và rôi ông tự lý giải: “Tất nhiên sự tồn tại của chúng phải được sự tiếp tay bảo kê của một số cán bộ có chức, có quyền, thoái hóa biến chất ở các cấp”.
Bày tỏ thái độ về vụ Năm Cam trong bản tường trình, ông Bảo viết: “Tôi hoàn toàn tán thành qua vụ này làm rõ chân tướng và nhân cách, trừng trị những con sâu mọt trong bộ máy Đảng và Nhà nước đã và đang vì mục đích trục lợi tự bán mình cho quỷ dữ, cố tình tiếp tay cho bọn tội phạm làm hại dân”.
Ông Bảo khẳng định: “Tôi kiểm điểm lại thấy VPCP đã làm theo đúng luật pháp và quy định của Thủ tướng... Bản thân tôi đã làm đúng nguyên tắc, đúng pháp luật, hết sức thận trọng với đầy đủ tinh thần trách nhiệm và hoàn toàn không có điều gì sai trái, khuất tất... Đó là những điều đã diễn ra và xin bảo đảm hoàn toàn đúng sự thật. Nếu sau này, Đảng, Nhà nước phát hiện điều gì sai phạm liên quan đến tôi, tôi xin chịu kỷ luật nghiêm khắc trước Đảng, Nhà nước, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu phát hiện cá nhân tôi có dấu hiệu phạm tội”.
(Theo Tuổi Trẻ)