Thanh Huyền
Sau khi nộp bản thảo cuốn tiểu thuyết mới cho nhà xuất bản. Martel sẽ tự thưởng cho mình một chuyến du lịch dài ngày. 8 tháng tới, anh và vợ - Alice Kuipers - sẽ rời khỏi ngôi nhà của mình ở Saskatoon, Saskatchewan, Canada để rong ruổi trên những chặng đường du ngoạn. Điểm đầu tiên họ hướng đến là Australia.
Đứng đầu danh sách những thứ cần thưởng ngoạn là ngắm chim. Họ sẽ đến một địa điểm nằm đâu đó giữa Brisbane và Sydney - giới hạn mà hai người tự đặt ra cho lịch trình tại Australia của mình - trước khi bay sang Italy dự một đám cưới. Martel rất thích ngắm các đàn chim két và chim yến phụng. Ở Canada, những loài chim ngoại lại này được bán với giá hàng nghìn USD. Martel có rất nhiều đam mê. Ở tuổi 45, anh vừa kết hôn với Kuipers. Nhà văn thông thái tự học người Canada thường tự gọi mình là kẻ du mục - kiểu người lấy những chuyến đi làm lối sống của mình.
Nhà văn Yann Martel. Ảnh: CBC. |
10 năm trước, sau khi thất bại với hai tác phẩm đầu tay Seven Stories và Self, Martel từng lo ngại rằng, anh khó có thể kiếm sống bằng nghề cầm bút. Và anh liệu có thể xin được việc làm gì với một bản CV trống hoác ngoài mục sở thích: viết. Để chấm dứt nỗi hoang mang đó, nhà văn đến Ấn Độ như một lối thoát. Chuyến đi, may mắn thay, lại là duyên cớ để ông viết Cuộc đời của Pi - cuốn tiểu thuyết chủ chốt trong sự nghiệp sáng tác của Martel.
Nhà văn kể lại quá trình chuẩn bị cho tác phẩm lớn này như sau: "Tôi đi thăm tất cả những vườn thú mình có thể tìm thấy ở miền Nam Ấn Độ. Tôi phỏng vấn giám đốc sở thú Trivandrum. Tôi dành thời gian lang thang tới các đền, điện thờ đạo Hindu và Hồi giáo. Tôi thăm thú những không gian đô thị khả dĩ làm bối cảnh cho cuốn tiểu thuyết của mình. Tôi có để mình ngụp lặn trong cái bầu không khí đầy chất Ấn Độ để chuẩn bị cho nhân vật của mình. Sau 6 tháng, trong tôi đã hình thành nên màu sắc và đường nét Ấn Độ cho tác phẩm. Tôi trở về Canada và dành tiếp một năm rưỡi để đọc thêm tài liệu. Tôi đọc các văn bản đạo Hồi, Thiên chúa và Hindu. Tôi đọc sách sinh vật học và tâm lý động vật nữa...".
Ngay khi đoạt giải Booker, Martel đã nghĩ đến cuốn tiểu thuyết về Holocaust. Nhưng nhà văn phải chùng chình với tác phẩm mới này mất vài năm. Sự chậm trễ này thường có ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp của một nhà văn. Nhưng Martel không chỉ bằng lòng chấp nhận điều đó, ông còn chào đón nó: "Tôi không vội, tôi chưa có gì nhiều để kể, nên tốt nhất là hãy kể từ từ".
Ngoài việc nổi tiếng với Cuộc đời của Pi, Martel được coi là một người táo bạo khi nảy ra sáng kiến cứ nửa tháng lại gửi sách cho Thủ tướng Canada Stephen Harper và đề nghị Harper nên đọc. Nhà văn giải thích: "Thủ tướng Canada là một người rất thông minh nhưng ở phạm vi rất hạn hẹp. Ông là nhà lý luận, nhưng không chịu đọc sách nên tôi tự hỏi, ông biết được bao nhiêu về cuộc đời". Tuy nhiên, phản hồi duy nhất từ phủ thủ tưởng mà nhà văn nhận được đến nay là một bản xác nhận rằng họ đã nhận được ý kiến đóng góp của ông.
(Nguồn: Tổng hợp)