Nếu như cách đây gần 10 năm, kịch kinh dị, kịch hài, kịch tạp kỹ phần nào đem lại sự nhộn nhịp và doanh thu cho các sân khấu tại TP HCM thì hiện nay, nhu cầu của khán giả về những loại hình này đã có dấu hiệu bão hòa.
Trước thực trạng các vở diễn vắng khách, nhiều sân khấu nghĩ cách đổi mới bằng việc lồng ghép nhạc kịch, ca vũ kịch vào nội dung.
Mùa kịch Tết năm nay, Idecaf trình làng hai vở có yếu tố nhạc kịch: Tình yêu không thiên đường và Sơn ca không hót. Trước đó, sân khấu 5B đã dựng vở ca vũ kịch Cây bàng vuông lấy chủ đề chính luận làm nòng cốt. Ngoài dàn diễn viên sân khấu, đạo diễn Hoa Hạ mạnh dạn đưa ca sĩ Hồng Hạnh, Quốc Đại, quán quân Chuông vàng vọng cổ 2014 Minh Trường, cùng cả một vũ đoàn lên sân khấu.
Sân khấu kịch Phú Nhuận lâu nay hút khách bằng các vở hài và kinh dị cũng có đổi mới từ mùa kịch Tết 2015. Trong hài kịch Xóm trọ 3D, đạo diễn Hồng Vân lồng ghép khá nhiều màn vũ đạo của dàn diễn viên trẻ cùng giọng ca của ca sĩ Long Nhật.
Sau thành công của nhạc kịch Chuyện tình Bangkok, nhà hát Thế giới trẻ vốn nổi tiếng với các vở kinh dị, cũng chuyển hướng phát triển những vở kịch hài hước, tươi trẻ, nhiều màu sắc trên sân khấu.
Khởi động với việc chuyển thể nhạc kịch Chicago sang lời Việt, hai năm qua, nhóm kịch trẻ Buffalo gây chú ý với hàng loạt vở nhạc kịch vui nhộn như Highschool music, Tuyết Sài Gòn, Vũ nữ, Tình ca phố...
Việc sử dụng vũ đạo, âm nhạc trong các vở chính kịch tạo nhiều thuận lợi nhưng cũng gây không ít khó khăn cho nhà sản xuất.
Về mặt doanh thu và hiệu ứng khán giả, rõ ràng sự đổi mới này đã đem đến hy vọng cho các ông bầu trước thực trạng sân khấu ế khách. Từ thử nghiệm đầu tiên, Chuyện tình Bangkok của nhà hát Thế giới trẻ cũng như Xóm trọ 3D của sân khấu Phú Nhuận được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Đại diện nhà hát Thế giới trẻ cho biết, những màn ca, vũ nhạc sôi động cùng khả năng gây cười của Chuyện tình Bangkok khiến vở kịch làm nên hiện tượng cháy vé của sân khấu này. Ê-kíp dàn dựng sẽ hạn chế kịch kinh dị để khai thác các vở kịch theo phong cách hài sôi động như Chuyện tình Bangkok. "Từ Tết đến nay, khán phòng luôn không đủ chỗ ngồi mỗi khi diễn Xóm trọ 3D", Minh Dũng, diễn viên của vở kịch cho biết.
Trong khi nhiều sân khấu chịu lỗ, nhóm Buffalo, với những vở nhạc kịch hiện đại đã khẳng định chỗ đứng trước khán giả. Chưa có lãi, nhưng doanh thu từ số vé bán ra giúp nhóm duy trì hoạt động và tái đầu tư vở mới. Sự sáng tạo của nhóm kịch trẻ cũng gây chú ý với nhiều người làm nghề. "Có hôm đang diễn trên sân khấu, tôi thấy nghệ sĩ Ái Như, Thành Hội dưới hàng ghế khán giả. Cô chú mua vé vào xem mà không hề cho chúng tôi biết", Khắc Duy, trưởng nhóm Buffalo cho hay. Đạo diễn trẻ cho biết thêm, nhóm cũng nhận lời mời từ sân khấu Hoàng Thái Thanh, nhưng việc cân đối giữa diễn viên của nhóm và diễn viên của sân khấu là lý do khiến Buffalo chưa đưa ra quyết định ở thời điểm này".
Đối với các vở ca vũ kịch, hạn chế về diễn xuất của nhiều diễn viên không chuyên dễ dàng được bỏ qua bởi sức hút của lời ca, vũ điệu, âm nhạc. Ca sĩ được trau dồi về khả năng diễn xuất còn diễn viên có cơ hội khoe giọng, vũ đạo. Cây bàng vuông là vở kịch tạo được hiệu ứng lớn với khán giả ngay đêm đầu tiên. Đề cập đến vấn đề chủ quyền biển đảo, nhưng kịch không nặng tính tuyên truyền khô khan nhờ âm hưởng hào hùng của các bài hát về Trường Sa cùng màn vũ đạo của dàn diễn viên múa có hình thể đẹp. "Việc những ca sĩ tên tuổi xuất hiện trong kịch và phát huy sở trường ca hát là cách cứu vãn những hạn chế về kịch bản hay diễn xuất của các diễn viên khác", Thiên Ân, sinh viên trường Sân khấu Điện ảnh chia sẻ.
Sử dụng các màn ca vũ trong kịch, đạo diễn gặp không ít khó khăn về chi phí, nhân lực cũng như cơ sở vật chất phục vụ vở diễn. Chi phí cho một vở nhạc kịch, ca vũ kịch cao hơn các vở kịch truyền thống ở khâu đầu tư trang phục và thời gian tập. Dù Cây bàng vuông được Ủy ban TP HCM đầu tư hơn 200 triệu, phục trang lính đảo được tài trợ bởi Bộ tư lệnh Hải quân, theo đạo diễn Hoa Hạ, để làm cho "đã", kinh phí phải lên tới 600 triệu đồng.
"Phục trang của vở diễn này không thể dùng lại cho vở khác. Hơn nữa, thời gian tập mỗi vở kéo dài từ 2 đến 3 tháng sẽ phát sinh phí thuê sân khấu và nhiều khoản không tên. Chi phí hiện tại chúng tôi đầu tư cho mỗi vở kịch dao động từ 70 đến hơn 100 triệu đồng", đạo diễn Vũ Khắc Duy chia sẻ.
Đạo diễn Quốc Bảo, tác giả của nhiều kịch kinh dị ăn khách như Lầu hoang, Họa hồn... ao ước làm một vở nhạc kịch trong năm 2015. Nhưng thiết bị âm thanh, ánh sáng của các sân khấu hiện tại khiến anh e ngại. Đạo diễn trẻ cho biết, muốn xem và nghe nhạc kịch cho "đã", hệ thống âm thanh phải được trang bị như trong nhà hát. Mới đây, nhóm Buffalo chuyển địa điểm biểu diễn do sân khấu cũ không đáp ứng nhu cầu về mặt bằng cùng trang thiết bị âm thanh, ánh sáng.
Thù lao dành cho ca sĩ, người làm nhạc cũng là bài toán nan giải với nhiều đạo diễn. Vũ Khắc Duy cho hay, nhạc kịch khác kịch nói ở chỗ, có những lớp diễn, diễn viên dùng lời ca thay cho thoại. Vì vậy, phải có nhạc sĩ chuyên môn về nhạc kịch đảm trách chứ không đơn giản là lồng nhạc và vũ đạo để lấp khoảng trống. "Rất khó quyết định mức thù lao cho ca sĩ. Chúng tôi không đủ tiền trả họ như bên ca nhạc nhưng trả theo thù lao của diễn viên sân khấu cũng không hợp lý", trưởng nhóm Buffalo cho biết.
Để khắc phục tình trạng này, hầu hết sân khấu tận dụng nhân lực tại chỗ. Qua nhiều vở kịch, diễn viên của Buffalo, ngoài khả năng diễn xuất, ai cũng thuần thục về vũ đạo và ca hát. Bà bầu của nhà hát Thế giới trẻ cho biết, sắp tới, sân khấu cũng chú trọng đào tạo diễn viên theo tiêu chí "ba trong một".
"Những vở nhạc kịch của Buffalo chưa tạo ra trào lưu như kỳ vọng của nhóm nhưng tôi tin, trong tương lai, loại hình này sẽ phát triển song song với các vở chính kịch. Nhiều người Việt Nam rủ nhau qua Thái Lan xem nhạc kịch, tại sao chúng ta không phục vụ họ ngay tại quê nhà?", đạo diễn Khắc Duy trăn trở.
Châu Mỹ