Dù chỉ giành giải khuyến khích cho phim và giải Nam diễn viên phụ xuất sắc cho diễn viên Trần Văn Duống (vai ông Bền), Rừng đen vẫn đọng lại nhiều ấn tượng đối với người xem bởi những mạch ngầm. VnExpress có cuộc trao đổi với đạo diễn Vương Đức về những gì ông đã thể hiện trong Rừng đen.
Đạo diễn Vương Đức chỉ đạo hai diễn viên chính Thạch Kim Long (vai Hoạt) và Kiều Trinh (vai Vân) trong một cảnh phim. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
- So sánh “Rừng đen” với những bộ phim truyện nhựa trước và với tiêu chí đã đặt ra, ông hài lòng ở mức độ nào?
Đạo diễn Vương Đức hiện là Phó giám đốc phụ trách điện ảnh của Hãng phim truyện Việt Nam và là giảng viên khoa Đạo diễn của ĐH Sân khấu điện ảnh. Được đào tạo ở Liên Xô từ 1976 đến 1986, đến nay Vương Đức đã có hơn 20 năm gắn bó với điện ảnh nước nhà, làm rất nhiều phim truyền hình, phim nhựa, tài liệu, quảng cáo… Rừng đen có tên nguyên bản là Người vớt củi (kịch bản Lê Ngọc Linh). Phim là câu chuyện tình đầy lãng mạn nhưng cũng rất ê chề và có phần hoang dại của một đôi trai gái vùng sơn cước. Hoạt (tên chàng trai) vốn sinh ra trong một gia đình mà bố và anh trai đều làm nghề hạ cây rừng, đưa gỗ ra ngoài tiêu thụ. Thay bố đi tù và trở về, Hoạt đã yêu và bỏ đi cùng Vân - vợ sắp cưới của cha. Cha anh, lão Bền, phường trưởng hội đốn gỗ, kẻ không biết sợ thần linh, đã mất mạng bởi chính lòng tham và sự hung hãn của mình khi hạ lệnh đốn cây đại thụ uy nghiêm - linh hồn của đại ngàn. |
- Tôi luôn đặt quyết tâm là phim sau phải hay hơn phim trước, bởi vì thời gian trôi qua, kiến thức và kinh nghiệm sẽ được trau dồi nhiều hơn nên những gì làm sau phải tốt hơn làm trước. Còn lại mọi đánh giá tuỳ thuộc vào khán giả.
Tôi không hài lòng về cái gì cả, vì nếu hài lòng về một điều gì thì sẽ chẳng bao giờ làm được cái gì tốt hơn nữa. Tôi tiếc nhiều lắm, nếu có tiền tôi vẫn muốn làm lại.
- Khó khăn lớn nhất của ông khi làm “Rừng đen”?
- Những phim quay về chiến tranh, trên biển, trong rừng là khó làm nhất. Rừng đen quay hoàn toàn trong rừng nên gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi phải vận chuyển hàng chục tấn thiết bị như lương thực, đạo cụ, máy quay… vào rừng, không thể làm nghiệp dư được. Khó khăn lớn nhất với tôi là quản lý đoàn làm phim, vì chúng tôi quay trong bối cảnh rất nguy hiểm, rắn rết, thác nước chảy xiết ầm ầm, sẩy ra là chết, bởi vậy tôi luôn cố gắng đảm bảo sự an toàn cho anh em. Vấn đề tính mạng cho các thành viên được đưa lên số một và tôi đã vượt qua điều đó.
Trong quá trình quay, đoàn làm phim gặp phải hai cơn bão mạnh của năm 2007. Tôi nghĩ, có thể đó là sự trừng phạt của trời vì chúng tôi đã hạ nhiều cây khi làm phim chăng?
Rừng đen quay trong rừng nên đoàn làm phim gặp không ít khó khăn. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
- Tại sao ông tỏ ra duy tâm như vậy?
- Đây là lần thứ hai trong vòng mười năm tôi quay lại đây, lần trước làm Những người thợ xẻ, vừa rồi là Rừng đen. Tôi có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về rừng. Tôi không sợ gì hết, tôi chỉ cây nào là phải hạ cây đó, nhưng trước khi đốn đều thắp hương. Hơn nữa, tôi cũng thuận lợi vì người dân địa phương ở đây rất quý và ủng hộ tôi.
- Vấn đề tâm linh ông đặt ra trong "Rừng đen" là gì?
- Có nhiều ý ngầm hơn trong phim, nhân vật ông già trong phim của tôi thực sự tin vào thần linh trong rừng. Cái cây đại thụ mà lão Bền tìm ra, trái tim linh hồn của rừng già đường kính 5 mét, ước khoảng 500 tuổi. Như vậy nó có nhiều điều bí ẩn lắm chứ và tôi cũng tin vào điều đó. Bởi vậy, tôi không dám hạ cây đó, tôi chỉ biểu diễn trong phim mà thôi. Tôi hạ cây khác. Tôi không cổ vũ chuyện mê tín dị đoan nhưng thế giới chúng ta sống có những vật hết sức linh thiêng. Ví dụ như cái cây.
Trong phim Rừng đen, tôi không quá nhấn mạnh vấn đề tâm linh, mà dùng những hình ảnh mạnh. Bởi vì là cây ma, là thác đen…, phải dùng những hình ảnh mạnh mới nói lên được sự linh thiêng của rừng. Và tâm linh không có trong Người vớt củi, tâm linh là của tôi.
- Từ đâu ông có ý tưởng làm “Rừng đen”?
- Tôi làm phim này do bị bạn bè xui dại. Họ xui tôi làm phim này vì họ tin tôi có nhiều kiến thức về rừng. Nhưng lý do quan trọng nhất là vì tôi yêu rừng rất nhiều, tôi thích được làm việc trong rừng. Tôi dám khẳng định rằng, không ai làm phim này thành công như tôi.
- Lời thoại
trong phim có nhiều chỗ ngắt quãng, tại sao vậy?
- Đó là dụng ý của tôi. Tôi cố tình để như thế, có nhiều người rất khó chịu nhưng đó là sự khó chịu do tôi gây ra. Vì mỗi chúng ta ở mỗi vùng đều nói giọng khác nhau, những con người phải sống trong thời tiết khắc nghiệt, nắng quắt người, gió Lào… mở miệng ra nói là cát chui vào họng thì làm sao họ nói bình thường như chúng ta được.
Phim của tôi không bao giờ đơn giản, phim của tôi có nhiều mạch ngầm. Những câu chuyện trong phim của tôi đều đa thanh, đa nghĩa. Rừng đen vừa đơn giản nhưng cũng vừa dữ dội. Mỗi góc nhân vật đều phản ánh một góc nhỏ cuộc sống
- Các nhân vật nữ trong “Rừng đen” khá mạnh dạn và bản năng. Ông đánh giá thế nào về những diễn viên đảm nhận các vai này?
- Trước tiên tôi muốn nói lời cảm ơn họ vì đã xả thân với phim của tôi. Đó là những cô gái dũng cảm, tôi luôn chịu ơn họ. Tôi biết, khi cởi quần áo ra thì vì vấn đề tâm lý, diễn viên rất khó diễn. Tôi đã tạo lòng tin ở họ, bởi vậy họ không sợ dư luận, không sợ những lời đàm tiếu. Họ đã cùng tôi quyết tâm làm nên Rừng đen hôm nay.
Phim nào của tôi, tôi cũng tạo ra nam diễn viên xuất sắc, nhưng tôi chưa thành công trong việc tạo ra nữ diễn viên xuất sắc. Đó là điểm yếu của tôi, bởi vậy tôi nợ họ một vai diễn.
Ngọc Trâm thực hiện