Trước cái thời mà Pixar cùng công nghệ làm phim hoạt hình bằng máy tính lên ngôi, từng có lúc cả thế giới bị lôi cuốn bởi những tác phẩm hoạt hình kinh điển được vẽ tay của Walt Disney. Nếu phải chọn ra một đại diện tiêu biểu cho những bộ phim ấy, không có tác phẩm nào có thể sánh ngang The Lion King (tựa Việt là Vua sư tử).
Trailer phim "Vua sư tử" |
|
Ra đời năm 1994, chú sư tử nhí Simba cùng những người bạn Timon và Pumbaa vẫn cuốn hút bao thế hệ khán giả, không chỉ trẻ em mà cả người lớn. Hình ảnh rực rỡ, hoành tráng, âm nhạc lãng mạn cùng một cốt truyện hấp dẫn và ẩn chứa nhiều thông điệp nhân văn sâu sắc, The Lion King vẫn đứng sừng sững như một tượng đài hoạt hình Disney.
Sự trở lại của nhà vua
Giới trẻ ngày nay, khi nhắc tới cái tên Disney thường nghĩ ngay tới kênh truyền hình cùng tên cùng các thần tượng tuổi teen như Miley Cyrus, Selena Gomez… Nhưng với những khán giả lớn tuổi hơn, tuổi thơ họ lại gắn liền với những chuyến du hành kỳ thú trong thế giới hoạt hình, với những bài học về cuộc sống, tình yêu được kể lại qua đó. Cái tên Disney trở nên bất tử với những nhân vật như chú nai Bambi, người gỗ Pinocchio, nàng Cinderella hay chuột Mickey…
Đã có một giai đoạn, các bộ phim do Disney sản xuất chịu lép vế so với các đối thủ cạnh tranh sau sự ra đi của nhà sáng lập Walt Disney. Không để mất tầm vóc gã khổng lồ trong việc sản xuất ra những tác phẩm nuôi dưỡng trí tưởng tượng của trẻ em, Disney làm nên những tuyệt tác trong khoảng cuối thập niên 1980 tới đầu 2000. Được biết tới như “Giai đoạn Phục Hưng Disney”, khán giả thế hệ này liên tục được thưởng thức những bộ phim vừa hấp dẫn lại vừa ý nghĩa như Nàng tiên cá, Người đẹp và Quái vật, Aladdin và Cây đèn thần, Hoa Mộc Lan hay Tarzan… Trong sự trở lại mạnh mẽ ấy của Disney, The Lion King chính là nhà vua tuyệt đối cả về mặt thương mại lẫn nghệ thuật.
Ra đời năm 1994 – năm mà điện ảnh thế giới “bội thu” những bộ phim kinh điển như Forrest Gump, The Shawshank Redemption hay Pulp Fiction – The Lion King vẫn là phim ăn khách nhất với 783 triệu USD trên toàn cầu (hiện đã là 951 triệu USD sau lần tái phát hành dưới dạng 3D năm 2011). Phim đoạt một giải Quả Cầu Vàng, hai giải Oscar và là bộ phim hoạt hình vẽ tay ăn khách nhất mọi thời đại.
Khi được đưa lên Broadway, câu chuyện nổi tiếng này đã đoạt 6 giải Tony và khiến các sân khấu tại đây luôn đỏ đèn kể từ năm 1997. Những sản phẩm ăn theo Lion King như đồ lưu niệm hay trò chơi điện tử đều được bán rất chạy, còn các DVD hay băng video của phim đã bán được tới tận 55 triệu bản.
Vậy đâu là yếu tố khiến bộ phim hoạt hình này được ưa thích đến vậy? Hình ảnh đẹp mắt? Âm nhạc cuốn hút? Sự tham gia lồng giọng của những sao nổi tiếng? Những yếu tố trên là đúng nhưng chưa đủ, bởi The Lion King sẽ chẳng thể sống mãi trong lòng khán giả như vậy nếu thiếu đi một cốt truyện sâu sắc và hàm chứa những thông điệp ý nghĩa.
Kỳ quan về hoạt hình
Đặt bối cảnh trong vương quốc loài vật châu Phi dưới sự trị vì của vua sư tử Mufasa (James Earl Jones lồng tiếng), bộ phim đưa người xem theo dấu chân của chú sư tử nhí Simba (Jonathan Thomas), con của Mufasa. Cậu được vua cha chỉ dạy điều hay, lẽ phải từ nhỏ và được kỳ vọng sẽ trở thành một hoàng đế anh minh như cha mình sau này. Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải sự đố kị của người chú xấu xa Scar (Jeremy Irons), kẻ luôn luôn khao khát ngôi báu và ghen tị với quyền lực và sự yêu mến anh mình có được.
Scar cấu kết với bầy linh cẩu để hãm hại Mufasa, khiến vị minh chủ này chết một cách oan uổng khi đang cố cứu mạng con trai mình. Không những vậy, hắn còn khiến Simba nghĩ rằng mình đã gây ra cái chết cho cha, khiến chú sư tử nhỏ buộc phải bỏ xứ mà đi. Điều này khiến Scar trở thành người thừa kế hợp lệ của ngai vàng và đưa xứ sở này chìm vào những ngày tăm tối.
Rời khỏi bầy đàn, Simba tìm đến một nơi rất xa, nơi cậu được kết bạn cùng lợn lòi Pumbaa (Ernie Sabella) và chồn Timon (Nathan Lane) – những sinh vật vui nhộn đã nuôi sống và dạy cậu về cách sống “vô tư” Hakuna Matata. Có lẽ Simba trưởng thành (Matthew Broderick) sẽ mãi sống cuộc sống vô tư như vậy nếu một ngày nọ, cậu không gặp lại cô bạn cũ Nala (Moira Kelly).
Cô sư tử cái xinh đẹp này cho Simba biết cuộc sống ở quê nhà cậu đang tồi tệ đến thế nào dưới sự cai trị của Scar cùng lũ linh cẩu đói. Cô giúp Simba nhận ra sứ mệnh đích thực của mình là quay trở lại và đòi lại ngai vàng của mình, đồng thời đưa “vòng quay cuộc sống” (The Circle of Life – bài hát chủ đề của phim) trở về đúng ý nghĩa và quy luật của nó.
Với những đứa trẻ lần đầu được xem The Lion King, có lẽ khoảnh khắc mở đầu phim là một ấn tượng không thể nào quên. Khi ấy, cả thế giới động vật châu Phi được thông báo về sự ra đời của Simba và tất cả cùng quy tụ dưới mỏm đá lớn, nơi loài sư tử sinh sống. Trong buổi bình minh rực nắng, chú sư tử Simba với đôi mắt ngơ ngác được đưa lên cao dưới bàn tay của khỉ già Rafiki, trong sự ngưỡng mộ của muôn loài và chứng kiến của vua cha cùng hoàng hậu. Hình ảnh bi tráng ấy hòa cùng tiếng nhạc hào hùng của The Circle of Life mang đầy tính biểu tượng và khó phai mờ trong lòng người xem.
Để có thể chuyển tải tới khán giả những thước phim đáng nhớ đến vậy, các nhà làm phim của Disney mất ba năm ròng nghiên cứu các loài vật, bối cảnh châu Phi và vẽ. Một triệu bản vẽ đã được làm ra, trong đó có đến 1.197 bối cảnh và 119.058 phân cảnh được vẽ và tô màu hoàn toàn bằng tay. Đổi lại, chúng ta có được một bộ phim rực rỡ sắc màu, với những cánh rừng căng tràn nhựa sống, những hẻm núi đầy vẻ bụi bặm, những buổi sáng rực cháy ánh mặt trời hay bầu trời đêm xanh thẫm mượt như nhung. Châu Phi bạt ngàn hoang dã, nơi cư ngụ của hàng trăm loài vật với đủ sắc thái, đã hiện lên đẹp đẽ đến vậy.
Khó ai có thể chê trách phần âm nhạc của phim, từ nhạc nền tới các ca khúc chủ đề khi chúng được soạn ra bởi những tên tuổi vĩ đại. Do ca sĩ kiêm nhạc sĩ nổi tiếng người Anh Elton John viết lời cùng nhà soạn nhạc từng đoạt Oscar Hans Zimmer phối hợp thực hiện, những giai điệu trong The Lion King đa sắc màu như chính bản thân phim - khi thì bi tráng, lúc lại nhẹ nhàng lãng mạn…
Hai ca khúc Circle of Life cùng Can You Feel the Love Tonight? đều được đề cử Oscar, trong đó ca khúc sau đã đoạt tượng vàng của Viện Hàn Lâm cũng như được đề cử Grammy 1995 “Ca khúc hay nhất”. Can You Feel the Love Tonight? được dùng trong cảnh lãng mạn giữa Simon và Nala, còn MV của bài hát với hình ảnh Elton John đệm đàn và các thước phim hậu trường phim cũng là một hoài niệm đẹp của thập niên 1990.
Bản hùng ca về tình cha con
Hình ảnh đẹp, âm nhạc tuyệt vời song The Lion King luôn được nhớ tới bởi những giá trị tinh thần nó đem lại. Với người lớn, họ có thể nhận ra cốt truyện Hamlet của Shakespeare trong phim còn trẻ em thì không cần biết tới chi tiết đó để cảm nhận được cái hay của tác phẩm. Người xem có thể bật cười ngặt nghẽo trước những trò đùa tinh nghịch của Timon và Pumbaa, đắm mình trong những giai điệu ngọt ngào của tình ca trong bối cảnh thiên nhiên châu Phi… nhưng đọng lại vĩnh viễn vẫn sẽ là bài học tình phụ tử.
Ai có thể quên ánh mắt tự hào của Mufasa khi nhìn Simba được chào đón ở đầu phim, hay khi ông đưa cậu đi khắp vương quốc và dạy những bài học đầu tiên? Tỏ ra nghiêm khắc với Simba nhưng Mufasa cũng chính là người thương con nhất khi ông xả thân bảo vệ cậu khỏi cái bẫy mà Scar giăng ra.
Khán giả có thể trực tiếp cảm nhận tình yêu mà cha con Mufasa dành cho nhau, với đỉnh cao là khi ông hiện lên trong đám mây mờ ảo vào giữa bầu trời đêm và nói với Simba trưởng thành rằng ông sẽ luôn ở bên cậu. Đó là cách một bộ phim hoạt hình chạm vào tâm hồn người xem và ở lại đó như một ký ức, bài học giá trị - dù khán giả là trẻ em hay đã trưởng thành.
Năm 2011, hãng Disney phát hành lại The Lion King dưới dạng 3D và vẫn thành công khi bộ phim chiếm ngay ngôi quán quân phòng vé. Tại sao một bộ phim đã ra mắt được 17 năm, có thể xem lại trên DVD hay Internet một cách dễ dàng lại vẫn hút khách đến vậy? Câu trả lời rất đơn giản: The Lion King là một bộ phim hoạt hình kinh điển không có tuổi và sở hữu những thông điệp nhân văn còn mãi với thời gian, về tình bạn, tình yêu và tình cha con.
Bài hát "Can You Feel the Love Tonight" |
|
Thịnh Joey