- Từng gây ấn tượng với phim đầu tay "12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy", anh gặp áp lực gì trong dự án mới?
- Áp lực lớn nhất đến từ chính tôi, bởi muốn khẳng định khả năng ở phim thứ hai mình đạo diễn. Năm 2015, phim đầu tay 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy may mắn được các anh chị trong nghề yêu quý và giành nhiều giải thưởng. Tuy nhiên, khi xem lại tôi thấy tác phẩm còn nhiều lỗi, một số thứ chưa được như ý muốn. Điều này khiến tôi mất nhiều thời gian suy nghĩ để phim thứ hai toàn vẹn hơn. Tôi đã phát triển vài dự án nhưng chưa thấy hài lòng nên tạm gác lại, cuối cùng mới chọn 100 ngày bên em. Chính vì vậy, hai phim của tôi ra mắt cách nhau đến ba năm.
* Phim "100 ngày bên em"
- Phim mới của anh được nhiều người đánh giá giống phong cách Hàn Quốc. Anh nghĩ sao?
- Kịch bản 100 ngày bên em được gợi cảm hứng từ phim Hàn Quốc Never Ending Story (2012), cũng kể về hai kẻ sắp chết yêu nhau. Khi công bố dự án, nhiều người nghĩ đây là phim remake nhưng thật ra tôi chỉ lấy một tình huống rất cơ bản và phát triển theo ý mình. Cách xử lý câu chuyện và hệ thống nhân vật của tôi đều khác phim Hàn.
Nhiều người nói tôi chịu ảnh hưởng của phim Hàn Quốc hoặc Thái Lan. Tuy nhiên, tôi định hướng từ đầu là đi theo bản năng chứ không theo hẳn phong cách nào. Ở mỗi bộ phim hay xem được, tôi góp nhặt từng chút nhỏ để kể câu chuyện theo cảm xúc riêng của mình. Thứ tôi chắc chắn nhất là nhịp điệu bởi xuất thân là người làm các MV. Tôi tự tin với nhịp của hình ảnh, diễn xuất của diễn viên, đó cũng là đặc trưng của tôi.
- Vì sao anh trung thành với đề tài tình yêu tuổi trẻ qua nhiều năm, từ khi còn làm phim ngắn đến phim điện ảnh?
- Với tôi, một nghệ sĩ phải khẳng định bản thân ở một khía cạnh nào đó rồi mới nên thử nghiệm phong cách khác. Nếu ôm đồm quá nhiều thể loại, đề tài, nhà làm phim dễ bị rối loạn trong cách kể. Khi còn cảm hứng, tôi sẽ vẫn làm về tình yêu tuổi trẻ. Đến khi hết cảm hứng, có thể tôi sẽ đột ngột chuyển sang một dòng phim khác mà mình yêu thích, như trinh thám chẳng hạn.
Với các diễn viên, tôi cũng khuyên họ đừng lo bị đóng khung vai diễn mà nên cố tìm tòi cách thể hiện sao cho mỗi vai khác biệt. Phải khẳng định bản thân trước rồi hãy cố tìm tòi hình tượng khác nhau. Nếu một diễn viên vừa đóng ngôn tình, đả nữ và kinh dị trong một năm, khả năng cả ba vai đều tốt khá thấp. Thậm chí nếu cả ba đều tốt, khán giả cũng không biết phải nhớ đến diễn viên ở vai nào.
- Từ sinh viên công nghệ thông tin trở thành đạo diễn, tại sao anh có bước chuyển đột ngột giữa hai ngành khác xa nhau?
- Tôi vốn là người mê dạng game nhập vai, trong đó người chơi hóa thân thành nhân vật để phiêu lưu, khám phá thế giới. Tôi nghĩ mê game thì phải học công nghệ thông tin nên theo ngành này ở Đại học Bách khoa (Hà Nội). Tuy nhiên, đây là định hướng sai lầm. Sau hai năm tôi nhận ra mình không chỉ thích chơi game mà thích cách kể chuyện, tạo ra thế giới trong game. Ngành công nghệ thông tin quá khô khan với tôi.
Tôi nghỉ học và làm MC, gặp một số đạo diễn tên tuổi như Nguyễn Hoàng Điệp và quyết định theo nghiệp phim ảnh. Tôi muốn tạo ra các nhân vật để được thỏa sức kể những câu chuyện theo ý mình. Các anh chị đã giúp tôi rất nhiều trong những năm đầu còn làm phim ngắn, MV, trước khi tôi có phim điện ảnh đầu tay. Niềm đam mê trò chơi điện tử vẫn còn trong tôi nên cả hai phim của tôi đều có nhân vật mê chơi game.
- Anh nhận định gì về các kịch bản của Việt Nam hiện tại?
- Năm 2012, tôi quyết định đến Anh học biên kịch bởi mặt bằng kịch bản Việt Nam lúc đó chưa tốt. Tuy nhiên, hiện tại tôi đánh giá các kịch bản của chúng ta đã lên tay và vững chắc hơn dù vẫn còn một số khuyết điểm. Chuyện viết kịch bản phụ thuộc cả về vốn sống, cảm xúc người viết lẫn quá trình đào tạo bài bản. Ở Việt Nam, nhiều kịch bản có một số cảnh sáng tạo, dễ thương nhưng về tổng thể bị lỗi bởi kiến thức chuyên môn về cấu trúc chưa tốt. Biên kịch nên được xem là một ngành khoa học. Nhiều năm qua, nền công nghiệp phim ảnh Âu Mỹ đã nghiên cứu về tâm lý người xem, cũng như phân tích lịch sử lâu dài của điện ảnh, nhất là phim thương mại, để chọn lọc ra cấu trúc kịch bản khiến khán giả dễ xem, dễ cảm nhất.
- Theo anh, đâu là khó khăn lớn nhất của điện ảnh Việt Nam?
- Điện ảnh Việt Nam có nhiều phim chưa đạt kỳ vọng. Hạn chế nhất không phải đạo diễn hay biên kịch mà là thiếu nhà sản xuất giỏi. Khi làng phim phát triển, nhiều anh chị đổ xô làm sản xuất. Tôi rất nể họ về sự nhạy bén, khả năng tìm kiếm dự án nhưng trình độ điện ảnh của họ chưa vững. Đôi khi, chất lượng phim không phải ưu tiên hàng đầu của họ. Các nhà sản xuất có lúc chọn đạo diễn bởi thấy dễ bảo, chọn diễn viên bởi độ hot tên tuổi chứ không phải vì hợp vai.
Ở nước ngoài, nhà sản xuất có khả năng chuyên môn, định hướng và lèo lái dự án. Có khi họ không đến trường quay nhưng vẫn hiểu được vấn đề để quyết định. Họ vừa can thiệp vừa tôn trọng quyết định của đạo diễn. Khi phim thành công, khán giả thường khen ngợi đạo diễn nhiều nhất. Tuy nhiên, nhà sản xuất mới là người cầm lái dự án, còn đạo diễn là người trau chuốt để phim sắc nét hơn. Ở Việt Nam có ít nhà sản xuất giỏi và với số phim ra rạp ngày càng tăng, tình hình càng khan hiếm hơn bởi cung không theo kịp cầu.
Vũ Ngọc Phượng sinh năm 1985, khởi nghiệp từ các phim sitcom, MV và phim ngắn, trước khi du học ngành biên kịch ở Học viện Điện ảnh London (Anh). Năm 2015, anh ra mắt phim đầu tay - 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy - và được khen ngợi bởi sự chắc tay, mô tả tinh tế tâm lý giới trẻ. Anh nhận giải "Đạo diễn xuất sắc" ở giải Cánh Diều năm 2017.
Ân Nguyễn thực hiện