Theo Osen, Văn phòng công tố Seoul điều tra lại vụ án Jang Ja Yun tự tử từ đầu tháng 6. Cơ quan chức năng sẽ bắt đầu xem xét danh sách 31 nhân vật quyền lực Jang Ja Yun để lại trong di thư. Trước đó, Viện kiểm sát Hàn Quốc tuyên bố sẽ điều tra cả cảnh sát, kiểm sát viên từng xử lý vụ án. Tên 10 trong số 31 "ông lớn" Jang Ja Yun liệt kê được nhiều tờ báo Hàn đăng lại, trong đó có chính khách, giám đốc ngành truyền thông, giám đốc tập đoàn kinh tế, cựu đạo diễn đài truyền hình KBS, nhà sản xuất của phim Vườn sao băng...
* Những khoảnh khắc về diễn viên xấu số Jang Ja Yun
Động thái của giới chức Hàn Quốc xuất phát từ đơn kêu gọi của hơn 200 nghìn người Hàn Quốc, được đăng trên trang web của Nhà Xanh. Những người ủng hộ cho rằng nếu cơ quan chức năng loại bỏ triệt để sự đồi bại trong xã hội, Hàn Quốc mới xứng đáng là một quốc gia văn minh. "Có thể ở một góc nào đó trên thế giới, còn có ai đó đang phải chịu đựng nỗi đau khổ như Jang Ja Yun...", lá đơn có câu.
Jang Ja Yun chết trong tình trạng treo cổ tại nhà riêng vào ngày 8/3/2009. Trước khi tự tử, diễn viên để lại bức thư với nội dung cô bị ép quan hệ tình dục, hầu rượu đại gia. Nếu không phục tùng, cô bị đánh đập. Theo Sports Seoul, công ty quản lý của Jang Ja Yun thiết kế quán bar ở tầng một. Sau khi uống rượu ở đây, công ty sắp xếp khách lên tầng ba để được "phục vụ" qua đêm một cách bí mật.
Trong di thư, Jang Ja Yun viết cô từng phải ngủ tổng cộng hơn 100 lần với 31 đại gia. Cô ghi rõ tên và chức danh của họ cùng địa điểm "phục vụ" họ. Nữ diễn viên kể từng bị ép lên giường cùng bốn người đàn ông. "Ngày giỗ cha mẹ tôi (bố mẹ cô qua đời vì tai nạn giao thông), các người cũng ép tôi phải đi hầu hạ đại gia, thật quá ác độc, khốn nạn. Tôi đã ghi danh sách ra rồi, chết đi thành ma cũng sẽ báo thù đến cùng", một đoạn trong di thư được đài KBS công khai. Nữ diễn viên còn viết mỗi lần thay áo mới đồng nghĩa việc cô phải hầu rượu hoặc ngủ cùng một người đàn ông mới. Theo Jang Ja Yun, một số nghệ sĩ nữ khác cũng bị ép làm các việc tương tự. Đoạn cuối của di thư, cô viết: "Tôi là một diễn viên mới vào nghề, yếu đuối và bất lực. Tôi muốn thoát khỏi cuộc sống đau khổ này".
Vụ án Jang Ja Yun tự tử là cơn nhức nhối dai dẳng trong ngành giải trí Hàn Quốc, kéo dài chín năm qua. Giới chức Hàn Quốc từng điều tra cái chết của Jang Ja Yun và khởi tố hai người, gồm ông Kim Sung Hoon - giám đốc công ty quản lý của Jang Ja Yun - cùng quản lý của cô. Kim Sung Hoon từng bỏ trốn sang Nhật Bản, sau đó bị dẫn độ về Hàn Quốc. Năm 2011, Kim Sung Hoon và quản lý của nữ diễn viên nhận án treo. Dưới sự lan tỏa của phong trào MeToo nhằm chống lại hành vi quấy rối, lạm dụng tình dục, lần này sự việc nhận được sự quan tâm lớn hơn của giới chức.
Jang Ja Yun chỉ là một trong số nhiều nữ diễn viên Hàn Quốc gánh chịu "quy tắc ngầm" của làng giải trí. Theo Chosun, trong một cuộc thăm dò hồi năm 2011, 43% nghệ sĩ cho biết họ từng bị ép hầu rượu các đại gia, 12% trong số đó từng bị yêu cầu phục vụ tình dục. Một nữ diễn viên giấu tên cho biết nhiều sao nữ không có tiền đền hợp đồng với công ty quản lý nên buộc phải sống cuộc đời họ không mong muốn. Diễn viên khác tiết lộ công ty quản lý lấy lý do hoạt động nghệ thuật, yêu cầu người có chồng đi hầu rượu, vì thế họ hoặc phải từ bỏ công việc hoặc ly hôn. Phần đông nghệ sĩ nữ chấp nhận im lặng để giữ danh tiếng cho bản thân, gia đình. Một người làm trong lĩnh vực giải trí nói: "Hãy nghĩ xem, nếu công khai sự việc, ai là người chịu tổn thương nhiều hơn? Những trang web đen sẽ không buông tha cho họ. Thay vì kêu gọi quan tâm tới nhân quyền, các trang này sẽ khai thác yếu tố sex. Chính vì thế, nhiều người chấp nhận giữ im lặng".
Con số nghệ sĩ bị lạm dụng, quấy rối tình dục ở Hàn Quốc ngày càng tăng. Theo báo cáo công bố tại một cuộc hội thảo về bạo lực và quấy rối tình dục diễn ra hồi tháng 3, cứ 10 phụ nữ làm việc trong lĩnh vực phim ảnh thì có sáu người từng bị quấy rối tình dục, chiếm 62%. Con số này đối với nam là 17,2%. Cuộc thăm dò này do Ủy ban điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) thực hiện.
Nữ diễn viên Moon So Ri cho rằng kết quả thăm dò phản ánh hiện trạng quấy rối tình dục nghiêm trọng trong làng giải trí Hàn Quốc. Tuy nhiên, giới chức cũng như người trong nghề chưa từng tìm giải pháp cho vấn đề này. "Chúng ta chỉ bàng quan với con mắt lạnh lùng", nữ diễn viên nói.
Qua phong trào MeToo, hàng loạt nghệ sĩ, nhà sản xuất Hàn Quốc bị tố cáo hành vi cưỡng bức, quấy rối tình dục, trong đó có Kim Ki Duk, Jo Min Ki, Jo Jae Hyun, Oh Dal Soo, Choi Yong Min, Jo Geun Hyun, Lee Yoon Taek, Choi Il Hwa... Diễn viên Jo Min Ki chọn con đường tự tử sau khi bị khoảng 20 người tố cáo. Cũng có người được tòa xử trắng án, như đạo diễn Kim Ki Duk. Một nữ diễn viên giấu tên tố cáo Kim Ki Duk quấy rối, sàm sỡ, tát cô. Đạo diễn gần đây được tuyên vô tội do thiếu bằng chứng, tuy nhiên ông phải nộp phạt 5 triệu won vì đã tát nữ diễn viên này. Gần đây, Kim Ki Duk đã kiện ngược nữ diễn viên trên tội vu khống.
Bên cạnh các ý nghĩa tích cực, theo Chosun, phong trào MeToo bị biến tướng khi không ít người lợi dụng tài khoản mạng xã hội đăng các thông tin không xác thực, bôi nhọ, gây tổn hại danh dự người khác. Một luật sư Hàn Quốc phân tích việc tố cáo ẩn danh trên Internet, sức ép từ dư luận có thể gây ảnh hưởng quá trình điều tra của cơ quan hành pháp, không đảm bảo công bằng cho cả hai phía trong mỗi vụ cáo buộc.
Yang Ye Won - ngôi sao mạng xã hội Hàn Quốc - gần đây tố cáo cô bị một studio ép chụp ảnh nhạy cảm và bị các người mẫu, nhiếp ảnh gia sờ soạng cơ thể. Nhưng sau đó trang Dispatch đăng bằng chứng cho thấy Yang Ye Won nói dối. Trong các tin nhắn được công khai, Yang Ye Won chủ động sắp xếp thời gian chụp ảnh với studio mà cô đã tố cáo chứ không phải bị ép chụp như cô kể. Các đoạn tin nhắn cũng không có dấu hiệu quấy rối tình dục. Từ chỗ bênh vực Yang Ye Won, khán giả Hàn quay sang chỉ trích cô lợi dụng phong trào Metoo để đánh bóng tên tuổi.