Tối 7/1, đạo diễn Trần Lực cùng đoàn kịch Lucteam diễn vở Quẫn tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà viết kịch Lộng Chương.
Quẫn kể về gia đình ông bà Đại Cát - giai cấp tư sản dân tộc - luống cuống đối phó chính sách công tư hợp doanh của nhà nước. Vì lo sợ vốn gia tài được tích cóp từ nhiều đời bị mất, vợ chồng Đại Cát tìm cách che giấu và tẩu tán. Một mặt, họ giấu thùng vàng tại gian phòng khách, phủ lớp vải lên che giấu, mặt khác, vợ chồng Đại Cát nhanh chóng sắm của hồi môn cho con gái. Biết được ý đồ đó, mẹ và em gái Đại Cát hối hả trở về, đòi phân chia số gia sản.
U Chinh - giúp việc nhà Đại Cát - vô tình biết nơi giấu vàng nên đã thông báo cho Trinh (con gái Đại Cát) và Hùng (người yêu Trinh). Trinh và Hùng thuộc tầng lớp thanh niên hăng hái thi đua tăng gia sản xuất, tham gia xây dựng công trình công cộng và đặc biệt nuôi dưỡng lý tưởng về một xã hội công hữu. Trinh hiến toàn bộ rương vàng cho nhà nước. Sau một hồi dùng dằng, ông bà Đại Cát và cụ Đại Hưng đành chấp thuận góp vàng vào ngân sách nhà nước trong tiếng thở dài ai oán.
Vở kịch phản ánh cảnh sống chân thực của giai cấp tư sản và bất cập trong chính sách quản lý của nhà nước ở giai đoạn lịch sử cụ thể. Nhân vật Đại Cát lý giải của cải gia tộc là mồ hôi công sức, thành quả lao động từ nhiều đời mà nên. Dưới cái nhìn gièm pha của người đời, những gia đình làm ăn chân chính như Đại Cát bị quy kết bóc lột nhân dân. Giới tư sản dân tộc thảng thốt trước nghịch cảnh. "Nếu mình giàu, họ nghèo nghĩa rằng mình là kẻ bóc lột", nhân vật Đại Cát nói với vợ.
Khác vở hài kịch nguyên gốc, NSƯT Trần Lực không chú trọng xây dựng các tình huống để gây cười cho khán giả. Tiếng cười bật lên từ ngôn ngữ thoại, điệu bộ, hành động của nhân vật mang đến sự gần gũi cho người xem. Nhân vật Hùng tuân thủ nghiêm ngặt nghi thức đi đều trong quân ngũ. Nhân vật Đại Hưng (em gái Đại Cát) chảnh chọe, khua tay múa chân sau lưng anh trai khi bất đồng quan điểm. Ông bà Đại Cát, U Chinh gây cười với động tác nhào lộn trên sân khấu.
* Trích đoạn "Quẫn"
Bức tranh sinh hoạt nông thôn ở miền Bắc hiện lên sinh động, hài hước khi nhạc phẩm Đánh giặc tăng gia (Văn Cận) trở thành giai điệu chủ đạo xuyên suốt vở kịch. Mỗi lần mật thám xuất hiện, vợ chồng Đại Cát lại hát để bộc lộ tinh thần làm việc vì công ích, tránh sự soi xét của nải từ người bên ngoài. Bên cạnh đó, vở kịch sử dụng giai điệu PPAP (Pen Pineapple Apple Pen) từng gây sốt cộng đồng mạng để tạo lời hát chế cho nhân vật.
Lần đầu đảm nhận vai bà Đại Cát trong Quẫn, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Lê Khanh cho rằng vở kịch gây bất ngờ cho chị khi chọn cách dựng theo hình thức nghệ thuật ước lệ. Chính điều này đã xóa nhòa đi ranh giới của thể loại kịch nói truyền thống. Vở kịch vừa mang dáng dấp của kịch nói, vừa có dấu ấn của chèo, tuồng.
Sân khấu mở ra với đạo cụ tối giản - duy nhất chiếc rương vàng, đồng thời sử dụng ánh sáng đơn sắc tạo những mảng màu đối lập trong cuộc đấu tranh giữ gia sản của gia tộc Đại Phúc. Để biểu thị sự thảng thốt, lo sợ, các nhân vật sử dụng phần lớn ngôn ngữ hình thể như biểu cảm của cơ mặt, ánh mắt... Âm thanh trên sân khấu cũng do chính diễn viên tạo ra. Tiếng dậm chân dồn dập của dàn diễn viên mặc đồ đen - đại diện cho quyền lực phán xét, tra khảo - tạo hồi gay cấn cho vở kịch.
Tuy nhiên, giữa khán phòng rộng của Nhà hát Lớn (Hà Nội), việc diễn viên không sử dụng micro để hỗ trợ diễn xuất phần nào gây cảm giác mệt mỏi cho người xem khi không nghe rõ lời thoại nhân vật. Xưng hô giữa nhân vật Trinh với u Chinh không thống nhất. Phần đầu vở diễn Trinh xưng "con" nhưng đến cuối tác phẩm lại xưng "em".
Kết thúc buổi diễn, bà Phạm Hồng Thắm - con gái cố nghệ sĩ Lộng Chương - chia sẻ: "Tôi thực sự xúc động khi NSƯT Trần Lực tái dựng vở diễn hơn 60 năm trước của cha mình. Tôi cảm nhận được vong linh cha đang ở đâu đó giữa khán phòng này và nở nụ cười mãn nguyện".
Lucteam là đoàn kịch tư nhân đầu tiên ở miền Bắc do NSƯT Trần Lực thành lập với 12 thành viên. Trước đó, Quẫn từng công diễn tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2016. Tác phẩm giành giải bạc chung cuộc và giải vàng cho đạo diễn.
Trọng Trường