Tối 10/8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đêm diễn trở lại của mô hình “xiếc tre” lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2005 và 3 năm chu du ở nước ngoài với hàng trăm vở diễn cháy vé, làm khán giả thỏa mãn và hạnh phúc. Không chỉ "no" giác quan với những màn tung hứng, nhào lộn, đêm xiếc “Làng tôi” dẫn dắt khán giả vào một bối cảnh đời sống làng quê đậm chất Việt.
Tre là chất liệu chủ đạo của đêm diễn "Làng tôi". Ảnh: Hoàng Hà. |
Mở màn bằng một hoạt cảnh tĩnh, đưa người xem đến với một buổi sáng tinh mơ, khi những người đàn ông đàn bà thôn quê sửa soạn thúng mủng dần sàng, tay cày tay cuốc chuẩn bị cho một ngày lao động trong tiếng gà gáy sớm. Kết thúc là khi màn đêm buông xuống, sau một ngày lao động mệt nhọc, người mẹ nằm bên cánh võng ru con, cô gái thêu thùa, chàng trai nghêu ngao câu hát về công cha nghĩa mẹ. Chạy suốt hai hoạt cảnh là toàn bộ cuộc sống sinh hoạt trong thiết chế làng xã của người Việt bao đời: từ mò cua bắt ốc, đi cấy sáng trăng, buôn thúng bán bưng, chợ phiên, tụng kinh gõ mõ, những đêm ả đào, gái trai hẹn hò tình tứ hát "còn duyên", cho đến dựng nhà, lấy vợ, những buổi nông nhàn… Trong đó, 20 diễn viên xiếc không ngừng biến hóa và nhào lộn, với đạo cụ chính là những cây tre dài, ngắn, tái hiện cuộc sống không ngừng chảy trôi nhưng yên bình của làng quê Việt.
Tre là chất liệu chính làm nên vở diễn. Không chỉ là xà ngang, xà dọc, để diễn viên xiếc đu bám, tre tham gia vào câu chuyện như một nhân tố của đời sống. Hàng chục thân tre đủ mọi kích cỡ, liên tục được dàn xếp, “bày binh bố trận”, biến hóa trên sân khấu, khi thì thành cầu tre lắt lẻo, khi lại hóa thành sóng nước, khi thành nhà cửa, khi tạo thành phông nền tĩnh cho sự xuất hiện của con người. Diễn viên tung hứng, đu mình trên những thân tre, đu dây giữa những biến hóa đẹp mắt của loài cây này. Vở diễn xây dựng mối liên hệ mật thiết giữa đời sống cây tre với đời sống con người - tre là người bạn, là công cụ kiếm sống, tham gia vào mọi khâu của cuộc sống và nâng đỡ cuộc sống người dân quê.
Màn biểu diễn ăn ý của các diễn viên xiếc. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đêm diễn "Làng tôi" là sự kết hợp hài hòa và điêu luyện của những tương phản: cái rắn rỏi của tre - cái mềm mại của chuyển động con người trên nền tre trúc, cái tĩnh của phông nền là bối cảnh làng quê Bắc Bộ đối lập với cái động của xiếc, cái vô thanh của âm nhạc tôn lên cái hữu thanh của những thanh âm đời sống làng quê: tiếng gà gáy, tiếng ru con, tiếng chão chuộc đêm, tiếng tụng kinh gõ mõ, tiếng hò lao động…
Dàn diễn viên, gồm 20 người cả nam và nữ, cũng phối hợp tạo nên một sự tương phản nhưng hài hòa. Những người đàn ông là “rường cột” của vở diễn khi họ vác tre, dựng tre, di chuyển tre phù hợp với nội dung từng hoạt cảnh, còn diễn viên nữ mềm mại, uyển chuyển, khéo léo di chuyển trên những thân tre với những động tác xiếc điêu luyện. Bản thân khán giả cũng mang những xúc cảm đối nghịch, khi được lặng đi trong những âm hưởng làng quê, khi ồ lên vỗ tay vì diễn viên thực hiện một động tác xiếc khó và đẹp mắt.
Tái hiện cảnh tụng kinh gõ mõ ở cửa chùa. Ảnh: Hoàng Hà. |
Hơn một tiếng đồng hồ, vở xiếc “Làng tôi” mang lại nhiều sự lắng đọng hơn là cảm giác thót tim, hồi hộp thường thấy ở các đêm xiếc thông thường. Một phần vì yếu tố xiếc đã được trung hòa với những yếu tố kịch, diễn, hát để mang đến một “vở diễn xiếc” cho khán giả thủ đô.
“Xiếc tre” là một kiểu xiếc mới ở cả Việt Nam và thế giới. Lần đầu tiên ra mắt tại Việt Nam vào năm 2005, mô hình xiếc tre tạm ngừng để xây dựng và hoàn thiện về mặt ý tưởng, nội dung. Năm 2009, vở xiếc tre với tên gọi “Làng tôi” lần đầu tiên được công diễn tại Pháp gây sự chú ý đặc biệt. Kể từ đó, “Làng tôi” có hơn ba năm “chu du” nước ngoài, với hàng trăm đêm diễn cháy vé. Đạo diễn Tuấn Lê chia sẻ, khi diễn ở nước ngoài, đoàn xiếc gặp không ít khó khăn do bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa. Khán giả xem xong có người nói không hiểu gì, nhưng họ khóc vì những hình ảnh đã chạm được vào cảm xúc của họ.
Sau đêm diễn đánh dấu sự trở về chính thức vào ngày 10/8, “Làng tôi” dự kiến được diễn định kỳ hàng tuần từ tháng 4/2013. Theo NSND Vũ Ngoạn Hợp - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam - sau nhiều lần công diễn, "Làng tôi" đã bỏ đi rất nhiều yếu tố ôm đồm ban đầu, như góc nhà rông Tây Nguyên, nhà sàn Tây Bắc, màn xiếc trăn, chỉ để giữ lại một màn xiếc tre thuần Bắc Bộ. Những yếu tố khác để dành cho những dự án tiếp theo của Liên đoàn xiếc Việt Nam.
* Ảnh: Hình ảnh ấn tượng trong đêm diễn "Làng tôi"
Hoàng Anh