Dương Tử Thành -
- Khi Võ Diệu Thanh nổi danh trên văn đàn thì cũng là lúc chị đã qua cái ngưỡng của sự trẻ. Có bao giờ chị tiếc nuối, giá như mình nổi tiếng sớm hơn?
- Tôi không tiếc nuối bất cứ gì tôi đã trải qua. Hoa cuộc đời tôi tới giờ khắc này trổ thì cứ đón nó thôi. Ép nó trổ sớm có lẽ sẽ được một hương sắc nhợt nhạt. Tôi không thuộc tuýp người sinh ra đã giỏi. Những gì tôi có được dù lớn dù nhỏ trong nghề dạy học cũng như trong văn chương đều phải dày công học hỏi. Tôi không còn trẻ nữa, nhưng tôi thấy mình đã đi những bước đường rất tuyệt diệu của cuộc đời, kể cả những khúc vui, kể cả những khúc vắt cạn nước mắt và tinh thần. Tất cả đã thành một gia sản của riêng tôi. Giàu có vậy và sẽ còn tiếp tục gom góp nữa, tôi không dại gì bỏ thời gian tiếc nuối.
![]() |
Tác giả Võ Diệu Thanh. |
- Nhưng như thế cũng có cái thiệt, chẳng hạn không còn tuổi tham gia Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc chẳng hạn?
- Tôi lỡ dịp với Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc giống như lỡ dịp kết thêm bạn bè. Nhưng tôi tin nếu tôi đáng có những người bạn đó thì sớm muộn gì tôi cũng gặp. Thời thông tin liên lạc bùng nổ mà.
- Từ khi những truyện ngắn của Võ Diệu Thanh liên tục xuất hiện và nhận được sự quan tâm của bạn đọc, người ta hay nhắc đến một “phiên bản Nguyễn Ngọc Tư” của miền Tây Nam Bộ. Chị thấy vui hay buồn trước điều này?
- Ai đó nói tôi là một phiên bản của Ngọc Tư cũng không sao đâu. Chúng tôi đều là người miền Tây, đương nhiên có những tính cách chung, nếu không thì sao mà có những đặc trưng của vùng miền được. Cũng như tôi hễ nghe một giọng nữ Huế nào tôi cũng có cảm giác người này nói chuyện giống cô giáo dạy ngữ văn của tôi, một cô giáo tôi thích. Cũng giống như anh Võ Tấn Cường từng nói văn Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Ngọc Tư, Ngô Khắc Tài na ná nhau. Một nhận xét rất là không chính xác. Nếu nhìn kỹ hơn rất dễ nhận ra không ai giống ai hết. Làm sao mà giống được khi cuộc sống của Tư là biển, là những dòng sông nước mặn, nhiều bần, mắm, đước, vẹt... Còn nơi tôi lớn lên lại là một vùng châu thổ của hai con sông với hai độ lớn ròng. Mùa hạn thì khô khốc khô khào, mùa lũ thì linh binh không chỗ đứng. Mỗi vùng có những khắc nghiệt lẫn thuận lợi khác nhau. Tôi không thể nói không có ảnh hưởng của Ngọc Tư. Cô ấy quá giỏi. Nhìn văn và sự thành công của Ngọc Tư tôi có thể tự tin, ở tỉnh lẻ cũng có cái gì đó viết được lắm chớ.
- Tên tập truyện ngắn đoạt giải “Văn học tuổi hai mươi” của chị là “Đứa con gái ngỗ ngược”, trong khi tác giả của nó có vẻ khá nhu mì. Có gì mâu thuẫn ở đây?
- Tôi tài lanh lắm chớ không có nhu mì đâu. Nhưng dù sao cũng là cô giáo nên kiềm chế bớt (cười). Có điều đôi khi tôi ít nói vì mắc nghĩ về cái gì đó.

Võ Diệu Thanh nhận giải nhất cuộc thi truyện ngắn Yume. Trong ảnh: Nhà văn Lý Lan, nhà thơ Lê Minh Quốc đại diện Ban Giám khảo trao giải nhất và hai giải nhì cho các tác giả dự thi.
- Đoạt ngôi quán quân cuộc thi truyện ngắn của một mạng thông tin có vẻ như không “sang trọng” và chuyên nghiệp như một cuộc thi chính thống của các cơ quan chuyên về văn học, chị có nghĩ thế?
- Tôi và Yume - mạng xã hội tổ chức thi truyện ngắn - giống như một mối lương duyên. Tuy là giải nhỏ nhoi nhưng người chấm là những nhà văn, nhà báo uy tín, chuyên nghiệp. Họ cho tôi một cảm giác cuộc thi này rất văn chương. Với lại đây là cuộc thi truyện đầu tiên của một mạng xã hội, khi tôi có giải rất yên tâm không sợ bị gièm pha giải này có sự can thiệp của một ông lớn ông nhỏ nào đó. Sự công tâm đã giúp một giải “mầm non” có được cái nhìn thiện cảm của giới văn chương. Đó là cái may của tôi. Với lại khi dự giải này tôi rất tự do. Giống như mình viết cho mình. Không bị ràng buộc bởi một tiêu chí, một vùng đất, một thời cuộc nào hết. Viết như vậy thật khoái.
- Thời nay, để tìm đến bạn đọc, không thể bỏ qua một phương tiện đắc dụng là Internet. Chị dự định tận dụng kênh thông tin quan trọng này thế nào?
- Đối với tôi, phát hành rộng, nhiều người đọc không phải là mục tiêu. Tôi chỉ mong cái sự đông người tìm đến tác phẩm của mình là nhờ một hương thơm nào đó từ tác phẩm mình phát tán. Chớ phát hành tràn lan ai cũng đọc mà đọc xong mai mốt nhắc tới tên mình người ta ngán như cơm nếp nát thì thôi đừng phát hành còn hơn. Đó là một trong những lý do mà tôi viết ít, cộng tác ít báo. Lần thi này tôi tham gia vì hứng thú, vì thấy mình gửi truyện dự thi thay vì gửi cộng tác báo cũng vậy thôi. Tôi tải bài trên mạng cũng là kiểu sống người miền Tây, khoái có trước có sau.
- Chị từng tâm sự luôn tìm cách “thông cảm với cái xấu”, thế còn cái tốt, chị đối xử thế nào với nó?
- Cảm thông cái xấu không phải là đồng tình cùng cái xấu mà là khi gặp cái xấu mình đừng phản ứng quá nông nổi. Như vậy chính mình sẽ xấu hơn những thứ mình đang bài bác. Đương nhiên cái xấu cần phải được cải sửa. Còn cái tốt, một đứa con nít cũng có thể hòa nhập được thì lẽ nào tôi lại ngoảnh mặt.
- Nghề giáo có thể khiến chị ứng xử với văn chương điềm đạm hơn, nhưng việc viết văn liệu có làm cho cuộc sống của một cô giáo bị xáo trộn?
- Viết văn mới là thứ giúp tôi điềm đạm với học sinh và phụ huynh hơn. Nghề giáo là nghề rất dễ nổi nóng. Mỗi học sinh có năm bảy phụ huynh, mà phụ huynh nào cũng muốn con cháu mình được biệt đãi nên có những đòi hỏi rất vô lý. Hồi trước tôi nghĩ mình viết văn coi chừng không ai dám nói chuyện với mình. Nhưng hóa ra không phải. Ai ấm ức cũng muốn kiếm tôi để xả stress. Đó cũng là một vấn đề dễ bị xáo trộn mà nghề văn đem lại cho cái cô giáo quá ốm yếu này.
![]() |
Tác phẩm đoạt giải của Võ Diệu Thanh. |
- Chủ đề không thời thượng, tác giả không “hot”, vậy theo chị điều gì đã níu giữ bạn đọc lại với những trang văn Võ Diệu Thanh?
- Tôi nghĩ là tấm lòng. Tấm lòng tôi mở cửa tấm lòng người đọc dù ít dù nhiều. Nghe có vẻ quê, cũ, y như văn tôi. Nhưng mà nói về cảm xúc thì đời nào cũng vậy thôi. Ai cũng hay cười cái chữ sến nhưng nếu ở một góc riêng nào đó, mình nhận được một chân tình nào đó hơi sến, mình vẫn thấy ấm áp tới rớt nước mắt.
Võ Diệu Thanh sinh năm 1975 tại Tân Châu, An Giang. Hiện chị là giáo viên mỹ thuật tiểu học. Đoạt giải nhì cuộc vận động sáng tác “Văn học tuổi hai mươi” lần 4 với tập truyện ngắn “Cô con gái ngỗ ngược” (năm 2010). Chị vừa đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn do mạng thông tin Yume tổ chức với tác phẩm “Người đàn bà đa tình”, cuộc thi tổng kết và trao giải đầu tháng 9.
Dương Tử Thành thực hiện