- Vì sao sách mới của anh về Hà Nội không chỉ là cuốn tản văn mà còn mang dáng dấp một tác phẩm địa chí, văn hóa?
- Một nhà văn từng nói với tôi đọc một cuốn sách mà không thu lượm được điều gì thì thật lãng phí. Những trải nghiệm cá nhân rất quan trọng, vì nó mang màu sắc riêng của tác giả, nhưng nếu sách lồng vào những nền tảng văn hóa, lịch sử, trang viết sẽ sâu hơn. Tôi không nghĩ mình "tham lam" khi đưa nhiều thông tin vào sách vì đã dung hòa một lượng đủ kích thích người đọc tìm hiểu về Hà Nội, vừa không quá hàn lâm khiến sách nặng nề. Tôi muốn độc giả đọc tác phẩm của mình sẽ biết thêm điều gì đó thú vị về Hà Nội hoặc nhìn những hiện tượng quen thuộc ở góc mới hơn.
- Điều gì về Hà Nội "hớp hồn" anh?
- Đó là những món ăn truyền thống, bề dày và chiều sâu truyền thống văn hóa, lịch sử và cả những khoảng yên bình đôi khi xuất hiện bất chợt trong đô thị lớn. Tôi nhấn mạnh tới thế mạnh ẩm thực của đất kinh kỳ xưa, một trong những yếu tố chủ chốt tạo nên sự quyến rũ của Hà Nội. Một điều dường như khá mâu thuẫn, chính không gian chật hẹp của phố cổ Hà Nội lại tạo lên một vẻ rất riêng và rõ ràng rất cuốn hút và lạ lẫm với nhiều người. Hà Nội khiến người ta say mê vì những cầu kỳ, đa dạng của quán xá lại vừa thích thú, pha một chút khó chịu, với sự chật chội. Người ta có thể yêu quý được những sự mâu thuẫn và tôi cũng yêu quý cái sự "lừng chừng" ấy của Hà Nội.
- Còn điều gì về thành phố này khiến anh tiếc nuối?
- Đó là những dấu vết của quá khứ yên bình đang dần mất đi. Những tòa biệt thự cổ kính ít được chú ý giữ gìn, nhiều chỗ đã mục nát và sụp đổ. Cả những xô bồ, đông đúc, ngột ngạt khiến nơi này phai dần nét êm đềm. Người ta ngày càng khó tìm thấy những nét cổ điển cùa Hà Nội được giữ nguyên vẹn. Sự náo nhiệt, sôi nổi có lợi cho phát triển nhưng dễ xói mòn những trầm tích văn hóa. Giá như Hà Nội chầm chậm hơn một chút. Giá như người ta biết trân quý, giữ gìn những giá trị văn hóa, kiến trúc và lịch sử nhiều hơn thế nữa và đúng cách, Hà Nội sẽ còn đẹp đẽ, yên bình hơn.
- Đã nhiều nhà văn viết sách về Hà Nội. Đi trên một con đường quen, anh gặp áp lực thế nào?
- Làm sao để làm mới mình là một thách thức không dễ vượt qua. Nhưng tôi có cách riêng để tạo sự khác biệt cho trang sách của mình. Tôi luôn kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và những kiến thức lịch sử văn hóa góp nhặt. Tôi chú trọng vào một lối viết hiện đại, chọn chủ đề ẩm thực là trọng tâm cho trang viết. Không những miêu tả món ăn đó ngon và thú vị thế nào, tôi còn đối chiếu, so sánh nó với những hàng quán... Bạn đọc vừa biết được những hàng ăn ngon vừa có thể tự tìm đến đó để kiểm chứng, so sánh. Trang viết của tôi hướng về độc giả trẻ và gần gũi với họ theo cách vừa làm sao mang được tính giải trí, vừa để độc giả hiểu thêm và khám phá thêm về một góc Hà Nội.
- Anh hy vọng gì qua cuốn sách này?
- Viết về văn hóa lịch sử tất nhiên phải đọc sách. Tôi ham đọc sách và điều ấy đã giúp tôi rất nhiều. Bạn đọc có thể thấy rõ ràng kiểu viết "liên văn bản" của tôi. Khi để cập tới một vấn đề hay nhân vật nào, tôi thường tìm cách so sánh đối chiếu với một sự kiện hay nhân vật khác. Tôi nghĩ điều ấy lý thú và mở rộng trường khám phá của độc giả và tất nhiên điều tôi thích thú nhất là khơi gợi những cảm giác khám phá của chính độc giả. Tôi hy vọng đọc xong cuốn sách độc giả không thể ngồi yên mà tò mò trải nghiệm chúng hoặc hoặc tìm một quyển sách khác để đọc tiếp. Nếu được vậy, tôi phần nào thành công.
Quỳnh Anh thực hiện