Theo số liệu của Forbes hồi tháng 8, doanh nhân sinh năm 1964 sở hữu 38,3 tỷ USD, giàu thứ 18 thế giới và giàu nhất châu Á. Ông là tỷ phú tự thân truyền cảm hứng cho người trẻ nhờ sự học hỏi, vươn lên của mình. Bên cạnh đam mê công nghệ, Jack Ma yêu thích văn hóa nghệ thuật. Có không ít nhân vật trong giới văn nghệ sĩ ảnh hưởng tới suy nghĩ, cách điều hành công ty của ông. Tiêu biểu trong số đó là tiểu thuyết gia Kim Dung và "Vua hài Hong Kong" Châu Tinh Trì. Ông khẳng định: "Là người Trung Quốc, nhất định phải xem Châu Tinh Trì, nhất định phải đọc tiểu thuyết Kim Dung".
Trong cuốn Đây chính là Jack Ma (xuất bản ở Việt Nam với tên Tôi là Jack Ma), trợ lý của ông - Trần Vỹ - tiết lộ nhiều câu chuyện về tỷ phú và nhà văn Kim Dung cùng sự ảnh hưởng của tiểu thuyết kiếm hiệp tới việc thành lập tập đoàn Alibaba.
Đặt chân vào công ty của Jack Ma như bước vào thánh địa võ lâm. Văn phòng công ty được gọi là Đảo Đào Hoa (nơi ở của Hoàng Dược Sư, cha Hoàng Dung), phòng họp là Đỉnh Quang Minh (địa danh trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký), nhà vệ sinh được đặt tên Thính Vũ hiên (Hiên nghe mưa) và Quan bộc đình (Đình ngắm thác).
ID của Jack Ma trên trang Taobao là tên nhân vật ông yêu thích nhất - Phong Thanh Dương của Tiếu ngạo giang hồ. Phòng làm việc của Jack Ma cũng trưng bày nhiều dao kiếm.
Sinh nhật Kim Dung 92 tuổi năm 2016, Jack Ma quay video chúc mừng nhà văn, cho biết ông yêu thích, học hỏi tiểu thuyết kiếm hiệp ở sự lãng mạn, tinh thần nghĩa hiệp. Văn hóa Alibaba chịu ảnh hưởng của chất võ hiệp trong truyện Kim Dung. Mỗi nhân viên của Jack Ma đều đặt tên kiếm hiệp cho mình. Vì thế trong công ty của ông, Quách Tĩnh, Triệu Mẫn, Lệnh Hồ Xung, Trương Vô Kỵ... là đồng nghiệp của nhau.
Trần Vỹ kể Jack Ma là người gợi ý Trương Kỷ Trung thực hiện phim kiếm hiệp. Ông Trương ban đầu ngần ngại vì đài TVB của Hong Kong từng dựng nhiều tác phẩm và gây tiếng vang lớn. "Nhưng nếu làm tốt chắc chắn sẽ khuấy động và tạo cơn sốt", Jack Ma nói. Hai người thảo luận nếu làm phim thì nên chuyển thể truyện Tiếu ngạo giang hồ trước. Kết quả, năm 2001, phim Tiếu ngạo giang hồ do Trương Kỷ Trung sản xuất, Lý Á Bằng - Hứa Tình đóng chính tạo cơn sốt ở nhiều nước châu Á.
* Jack Ma, Châu Tinh Trì biểu diễn Thái Cực trong lần gặp đầu tiên
Ngoài Kim Dung, Jack Ma là fan lớn của Châu Tinh Trì. Ông hâm mộ trí tưởng tượng của danh hài. Đầu năm 2013, Jack Ma và Châu Tinh Trì lần đầu gặp nhau trong buổi giao lưu sinh viên ở Đại học Truyền thông Trung Quốc. Tỷ phú nói: "Mọi người đến đây để xem Châu Tinh Trì, thực ra tôi chỉ là kẻ đóng vai phụ thôi. Tôi chờ đợi được gặp Châu Tinh Trì từ rất lâu". Jack Ma kể ông trưởng thành cùng phim hài Châu Tinh Trì trong khi Vua hài Hong Kong bảo: "Tôi trưởng thành qua các bài diễn thuyết của anh".
Jack Ma xem Tuyệt đỉnh kungfu không dưới ba lần, thích nhất nhân vật do Phùng Tiểu Cương đóng với câu thoại "Còn kẻ nào nữa". Ông thuộc nhiều câu thoại phim Châu Tinh Trì và thường sử dụng trong đời thường.
Nhà sáng lập Alibaba còn có mối quan hệ thân thiết với Lý Liên Kiệt và Triệu Vy. Ông và ngôi sao hành động bắt tay quảng bá võ thuật Trung Hoa cũng như trong lĩnh vực từ thiện. Hai người thành lập công ty Taiji Zen với mục đích hướng dẫn học viên về trà đạo, thiền tu, Thái Cực, hoa đạo... nhằm hướng tới cuộc sống khỏe mạnh. Gần đây Lý Liên Kiệt chỉ đạo sản xuất phim Công thủ đạo, do Jack Ma đóng chính. Các võ sư Viên Hòa Bình, Hồng Kim Bảo tham gia dự án. Chân Tử Đan, Lý Liên Kiệt, Ngô Kinh, Huỳnh Hiểu Minh, Tony Jaa, Trâu Thị Minh... đóng phim nhưng không nhận cát-xê. Phim ra mắt sau chuyến đến Việt Nam của tỷ phú.
Jack Ma hợp tác với Triệu Vy trong nhiều lĩnh vực như làm phim, sản xuất và kinh doanh rượu vang. Năm 2015, Triệu Vy và chồng - Huỳnh Hữu Long chi hơn 3 tỷ HKD (xấp xỉ 400 triệu USD) để trở thành cổ đông lớn thứ hai trong công ty sản xuất phim Alibaba Pictures - thuộc tập đoàn Alibaba của Jack Ma. Alibaba Pictures từng đầu tư các dự án Thất Nguyệt và An Sinh, Người lái đò, Tam sinh tam thế thập lý đào hoa...