Có lẽ tôi đến với chàng chính là vì sự hấp dẫn của bộ môn nghệ thuật kịch câm. Hai đứa đến với nhau một cách tự nhiên. Chàng tuy không đẹp trai bằng Gray nhưng mà sang, giọng nói ấm áp và lịch lãm. Lúc đó chàng đang nổi lắm, nhà chàng dập dìu tài tử giai nhân. Trước cửa nhà chàng lúc nào cũng có vài ba cô gái xinh đẹp “tình cờ” đi qua, “tình cờ” hỏng xe”, “tình cờ” lạc ngõ. Tôi chỉ là một trong số thôi, thật may tôi đến nhà chàng theo yêu cầu của chàng, không phải sử dụng thủ pháp “tình cờ”.
Có lần đến nhà chàng, đang khóa xe tôi thấy một nàng từ cầu thang nhà chàng đi xuống đang mở khóa xe, đó là Hồ Thiên Nga diễn viên múa ba lê. Hồ Thiên Nga có cậu em trai là Hồ Hoàn Kiếm, hai chị em nổi tiếng thời đó. Cả hai chị em lai tây nên rất trắng. Hồ Thiên Nga dong dỏng cao da trắng ngần, khi nào cũng buộc tóc đuôi ngựa, chị có một vẻ đẹp thanh cao. Tôi có cảm giác đây là đối thủ cũng lo lo nhưng nghĩ bụng thôi kệ, mình đến làm việc là chính thôi, không cần thiết phải “bon chen”… cứ kiêu kiêu thế biết đâu lại thắng.
Sau đó tôi cứ lẽo đẽo theo chàng vừa làm MC vừa diễn cùng chàng. Vẫn thấy Thiên Nga lặng lẽ theo các buổi diễn của chàng. Nhiều khi thấy trong túi chàng khi thì gói ô mai, lúc thì thứ này thứ khác. Nghĩ bụng quả này không khéo mình thua rồi. May trời thương, nhờ chiến lược “kiêu kiêu” dần dà “tình yêu nảy nở trong công tác”, tôi và chàng phải lòng nhau, đúng ra đến lúc này chàng mới phải lòng tôi. Nụ hôn đầu tiên ngọt ngào hơn tôi tưởng, ngọt ngào hơn cả mọi ngọt ngào.
Bố chàng làm chánh văn phòng một cơ quan truyền thông lớn. Ông là người rất chu đáo, văn hóa và lịch lãm. Mẹ chàng làm ở phòng hành chính, hiền lành và phúc hậu. Bà chỉ phàn nàn với chàng, nghe Ái Vân rất nhiều người yêu, sợ sẽ không phải là người vợ tốt. Chàng kể như thế, tôi chỉ biết cười nhạt nói với chàng: “Cái đó thì em không thanh minh vì tin đồn về em thì nhiều lắm. Nếu yêu nhau, tin nhau thì lấy nhau rồi sẽ biết". May chàng tin tôi, quyết định kéo cuộc tình ra công khai. Mừng húm. Được mấy tháng, sang năm 1977 chàng đi Nga học hai năm. Trước đó chàng học điện, bây giờ mới chính thức học kịch câm. Trước khi chàng đi học, hai gia đình tổ chức lễ đính hôn, thực ra chỉ là một bữa cơm 6 người gồm bố mẹ hai bên, tôi và chàng tại khách sạn Thống nhất. Chàng và tôi trao nhẫn đính hôn, mỗi người đeo một cái nhẫn bạc.
Rời lễ đính hôn tôi ngồi sau lưng chàng lòng hân hoan khó tả. À ha, mình đã có chồng rồi a? Cái ông ngồi đây là chồng mình à? Đi đâu cũng có ánh mắt nhìn theo, thích lắm. Mọi người khen đẹp đôi nhất Hà Nội mà. Có ngờ đâu chàng và nàng đang dắt nhau vào một chương đầy nước mắt.
Năm đầu yêu nhau da diết đúng nghĩa của từ này, chàng ở Nga viết thư đều đặn mỗi tháng hai thư. Nàng ở nhà chỉ biết ngửa mặt ngóng thư, đọc thư trong nước mắt, mỗi lần đọc thư là khóc. Chưa có cuộc tình nào nhớ và buồn khi xa nhau đến thế. Nhất là khi chàng mang theo cả kịch câm đi nữa. Cảm thấy trống trải kinh khủng, chỉ mong gặp chàng dù chỉ một giờ.
Lại mơ được ước thấy. Năm 1978 tôi, Vũ Dậu, Mạnh Hà cùng đoàn Văn công công an Biên phòng đi dự festival thanh niên thế giới lần thứ 11 ở Cu Ba, có đi qua Nga dừng lại hai ngày để đổi máy bay. Gặp được chàng rưng rưng nước mắt, chàng đưa đi dọc đại lộ gì đó táo rất nhiều. Lúc này khí hậu bên Nga rất khô, rất hanh, nắng đẹp lắm. Chàng lấy vé xe lửa đi về Tulaguberniva, quê hương của nhà văn Lev Nikolayevich Tolstoy. Ở Tula có cái hồ, hồ này có truyền thuyết trai gái yêu nhau ném nhẫn cưới xuống hồ sẽ không bao giờ rời nhau. Chàng bảo: "Hai đứa ước nguyện suốt đời bên nhau, mình ném nhẫn xuống đây nhé". Tôi và chàng cùng ném. Về sau cứ tiếc mãi, tại sao lại ném nhẫn cưới đi để cầu chung thủy hạnh phúc, rõ là vớ vẩn.
Nhẫn cưới ném rồi, sang năm thứ hai tự nhiên thư chàng thưa thớt một cách đặc biệt, không hiểu sao. Đi festival Cu Ba về tôi phải đi diễn báo cáo nhiều nơi, rất bận rộn, nên sự nhớ nhung bớt đi phần nào... Tuy nhiên rất khó hiểu tại sao chàng lại ít thư từ như thế, lâu lắm mới có cái thư thì sự da diết dường như biến mất. Đùng cái anh Hà Quang Văn học ở Kiev viết thư về kể: “Nó ở bên Nga lôi thôi lắm. Sang Nga tiêu xài kinh lắm, rượu vodka đãi bạn suốt, sinh nhật bạn nữ nào bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu bông hồng. Hồng bên Nga rất đắt, 3 rúp 1 bông. Trong lúc học bổng có 60 rúp/ tháng thôi. Bạn ở xa về chơi thì bao tiền taxi đi về như đại gia….” Tôi hoảng lên viết thư hỏi lại anh Văn có thật không. Anh Văn khẳng định thật, “dù anh ở Kiev nhưng tin tức về nó anh nắm chắc lắm.”
Cuối cùng anh Văn viết: "Nó nợ tiền lung tung rồi. Em phải cẩn thận, không thì phiền lắm đấy". Anh em trong nhà tôi biết, anh Văn chả bịa đặt cho ai bao giờ. Tôi hoang mang không hiểu thế nào. Không nghĩ chàng có mối tình nào nhưng tôi e là ông này phai nhạt rồi. Buồn và bực. Tôi nghĩ mình thì rất đàng hoàng, tại sao ông lại đối với mình như thế. Tự ái. Thấy chán. Viết thư cho chàng xem thế nào. Ba tháng sau không thấy thư chàng hồi đáp. Khóc một trận rồi gạt nước mắt quyết định dứt khoát phải chia tay.
Tháng 9 Năm 1979 tôi cùng với ca sĩ Thanh Hòa sang Nga tham gia chương trình Mùa thu vàng. Dự kiến sang gặp chàng để nói lời chia tay. Tới Moscow thời tiết xấu, phải ngừng ở phi trường Moscow gần một ngày trước khi bay tới Tasken, cơ hội để tôi gặp chàng. Thanh Hòa và tôi ở chung một phòng. Chừng 9 giờ tối chàng tới. Mấy giờ liền chàng nàng đối đáp quanh co, thấy đã khuya rồi, sợ phiền chị Thanh Hòa ngủ rồi, tôi phải “kết luận” ngay. Tôi nói có hai lý do không thể tiếp tục, một là tình cảm đã phai nhạt, hai là không thể chấp nhận kiểu sinh viên tiêu xài như đại gia. Nói xong khóc một trận rồi đuổi chàng: “Thôi anh về đi, em còn ngủ để mai bay sớm".
Chàng không về. Bắc cái ghế ngang chỗ tôi nằm, chàng cứ ngồi thuyết phục, rủ rỉ hết chuyện này sang chuyện khác. Chàng nói ít viết thư vì năm thứ hai (năm cuối) quá nhiều bài tập, “làm việc nhiều đến nỗi không kịp tắm”. Còn chuyện tiêu xài như đại gia là “ai đó bịa đặt ác ý”. Đoán anh Văn báo cho tôi, chàng nói: “Anh em trong nhà còn phá nhau. Nếu hai đứa không thể tiếp tục nữa cũng vì người nhà cả thôi". Chàng nói mãi, nói mãi, tôi cũng cảm thấy xuôi xuôi, lại buồn ngủ quá, buồn ngủ ríu cả mắt, tôi nói: “ok ok tin rồi".
Chàng hôn cảm ơn, rồi nói: “Tình hình này học xong là mình cưới ngay, để lâu lời ra tiếng vào khó giữ được nhau lắm”. Con gái 25 tuổi nghe nói cưới, ai cũng mừng, tôi ok liền. Chàng nói: “Sắp cưới nhau mà tụi mình không có gì, anh sắp về không biết lấy đâu tiền để đóng thùng”. Tôi cũng không có tiền. Trước đó đi Nhật kết hợp với Đoàn ca múa dân tộc tôi mua được cái cassette hiệu Sony của Nhật, thỏa ước mơ bấy lâu có máy ghi âm để khi ra nước ngoài ghi lại các bài hát hay của các ca sĩ thế giới để học tập. Thích lắm. Chàng nghe nói cassette liền bảo “đưa ngay cho anh”. Tuy quá yêu quí chiếc máy nên dù tiếc đứt ruột cũng đành đưa anh đem bán lấy tiền... “đóng thùng”.
Hai tháng sau kết thúc chương trình Mùa thu vàng, tôi về Moscow mấy ngày rồi sẽ bay về Việt Nam. Cả đợt diễn tôi có chừng 700 rúp tiền cát xê, tính mua sắm mấy thứ đem về việt Nam bán lấy lời. Cát xê của Mùa thu vàng khá lớn, 60 rúp một đêm diễn, có 60 buổi tính ra cũng kha khá. Nhưng phải trả 75% cho Bộ tài chính, mình còn 15 rúp một đêm thôi. 15 rúp cho tất tần tật tiền ăn uống, tiêu xài, mua sắm trong 2 tháng… tiết kiệm được 700 rúp là giỏi rồi. Ca sĩ các nước khác người ta ăn chơi như đại gia, mình ki bo quá người ta cười. Hồi đó đi đâu chỉ lo mỗi chuyện “nhục quốc thể”, sợ người ta cười khinh. Kì thực có mấy ai quan tâm đến sinh hoạt của mình đâu.
Về Moscow biết chàng đã về Việt Nam, nghĩ tới chuyến này về cưới lòng cứ lâng lâng. Chắc mẩm mấy kẻ đố kị với chàng bịa đặt thì nói vậy thôi, không có chuyện ăn chơi kiểu đại gia đâu. Mà mượn ai? Ai dám cho sinh viên mượn tiền, giỏi lắm chỉ cho mượn 5, 10 rúp. Tiền đâu mà hoa hồng, taxi với vodka?
Thế rồi một tối tôi nhận được ba thư đòi nợ.
>> Xem thêm:
Tự truyện Ái Vân bỏ trắng bảy trang về người chồng thứ hai
(Trích tự truyện Để gió cuốn đi, First News và NXB Hội Nhà văn ấn hành)