Trương Quế Chi. Ảnh nghệ sĩ cung cấp. |
- Rất nhiều lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài thường đi làm thêm ngoài giờ học, chị thì sao?
- Năm nay, tôi học năm thứ hai, ngành Truyền thông văn hóa tại Đại học Lyon II (Pháp). Tôi cũng đi làm bồi bàn, trông trẻ, dạy tiếng Việt để kiếm tiền. Thực ra, bố mẹ luôn cung cấp đầy đủ, nhưng tôi vẫn muốn tự kiếm tiền để trang trải cho những nhu cầu sinh hoạt khác như mua sách, mua vé xem hòa nhạc… Hơn nữa, ở tuổi này, tôi nhận thấy, đáng lẽ mình đã đủ lớn để không quá lệ thuộc vào bố mẹ về mặt tài chính. Sau khi hoàn thành 5 năm đại học, tôi sẽ học tiếp 2 năm Master. Tôi hy vọng, trong thời gian học thạc sĩ, tôi sẽ tự lo được cho mình.
- Đâu là khác biệt lớn giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Pháp mà khi đi du học, chị phải tìm cách thích ứng?
Thơ Trương Quế Chi: |
- Thực sự, tôi không bị sốc văn hóa. Tôi có điều kiện là được học tiếng Pháp từ bé, mỗi tuần 13 tiết, nên có phần quen với cách nhìn, cách tư duy của người Pháp. Bản thân tôi nghĩ mình là người khá tự tin, năng động nên khi sang Pháp du học, tôi hòa nhập rất nhanh vào môi trường mới.
Nhưng càng đi nhiều, càng tiếp xúc nhiều, tôi càng cảm thấy mình rất Việt Nam. Đó là cảm giác mà có lẽ ai cũng cảm nhận được trong những khoảnh khắc khi một mình đứng giữa đại lộ lớn, xung quanh là những con người khác màu da, khác tiếng nói.
Ở đây có một mâu thuẫn, không chỉ riêng tôi mà phần lớn những du học sinh khác đều có thể cảm thấy. Đó là khi sống ở nước ngoài, tôi cảm thấy mình rất Việt Nam. Nhưng khi về Việt Nam, tôi lại nhận ra, suy nghĩ của mình không hoàn toàn giống như mọi người ở đây. Chẳng hạn, trước cùng một tình huống một hoàn cảnh, suy nghĩ, cách lựa chọn và phản ứng của chúng tôi sẽ khác với mọi người.
- Là một người cầm bút, lại đang sống và học tập ở nước ngoài, chị đánh giá thế nào về những sáng tác đề tài đời sống lưu học sinh xuất hiện khá nhiều gần đây?
- Tôi có đọc qua một số tác phẩm và tìm thấy được một nhịp điệu chung nhất định khi đọc các tác giả này. Ví dụ khi đọc Phan Việt, tôi cảm thấy có sự đồng điệu, rằng dù ở nơi đâu trên trái đất này, ở một nước thế giới thứ ba hay một đất nước phát triển thì con người đều có những nỗi thống khổ giống nhau.
- Chị nhận xét thế nào về sáng tác của các tác giả trẻ hiện nay?
- Tôi không dám nhận xét mà chỉ đưa ra những cảm nhận. Đọc sáng tác của các nhà văn trẻ, tôi thấy được khát khao muốn sáng tạo, muốn tìm tòi cái mới của các bạn đồng lứa. Tôi cũng đồng cảm được với nỗi ám ảnh bị bám đuổi triền miên trong ẩn ức và bi quan từ sáng tác của họ. Tuổi trẻ luôn có sự hoang mang và những góc tối trong tâm hồn dù trong cuộc sống, họ là những con người trẻ trung, đầy nhiệt huyết. Họ viết như thế không có nghĩa là họ cũng sống tối tăm và bi quan như thế. Đơn giản là họ muốn viết về những gì gần gũi nhất, gắn bó nhất với cái tôi của mình.
- Chị thích đọc những nhà thơ nào?
- Tôi thích Wislawa Szymborska - nhà thơ Ba Lan đoạt giải Nobel năm 1996; nhà thơ Pháp Arthur Rimbaud, các nhà thơ Việt Nam như Trần Dần, Dương Tường, Thanh Tâm Tuyền…
Trương Quế Chi trong đêm trình diễn thơ. Ảnh: L.H. |
- Trong đợt về nghỉ hè tại VN, chị vừa tham gia một số buổi trình diễn thơ. Chị quan niệm thế nào về trình diễn thơ?
- Trình diễn thơ không phải là một loại hình xa lạ và cao siêu gì cả. Thực tế, ngày xưa, khi các cụ ngâm thơ, hát thơ, nói thơ, thì đó đều là những hình thức trình diễn thơ. Ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, người ta có thể trình diễn thơ đa phương tiện, kết hợp hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh và ánh sáng. Sức sống của thơ nằm ở chữ nghĩa. Nhưng những yếu tố như ngôn ngữ hình thể, âm thanh và ánh sáng cũng tạo sự tương tác quan trọng giúp người đọc cảm thụ thơ. Người trình diễn thơ là người không chỉ giúp độc giả nhận ra bài thơ này diễn tả điều gì mà còn thể hiện cho độc giả thấy, tôi cảm nhận về bài thơ này như thế nào. Với riêng tôi, người trình diễn là diễn viên, còn thơ chính là lời thoại.
- Từ sau tập thơ "Tôi đang lớn", chị đã có thêm những sáng tác nào?
- Tôi vẫn thường xuyên có thơ đăng báo, có truyện đăng trong các tuyển tập Văn Mới, Truyện ngắn hay và sắp tới là Truyện ngắn 198X.
- Một số bài thơ trong tập "Tôi đang lớn" khiến người đọc có cảm giác như tác giả đang nỗ lực “già trước tuổi”. Chị nghĩ sao?
- Tôi không có lý do để “gồng mình”, vì bản thân mỗi con người có rất nhiều mặt. Bên ngoài, tôi rất hồn nhiên, trẻ trung và giàu năng lượng sống, nhưng con người tôi còn có nhiều góc khác. Với thơ, tôi luôn sống thật với bản thân và không tham vọng khoác lên mình chiếc áo mà tôi không vừa. Thơ bộc lộ thật nhất những góc cạnh mà người khác không nhìn thấy khi đối diện với tôi. Thơ tôi nhiều yếu tố lý tính có thể vì tôi từng ít nhiều chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh.
- Những vần thơ viết về tình yêu trong tập "Tôi đang lớn" có thể nhận xét là…?
- Có một ý kiến cho rằng, phần Tôi đang yêu trong tập thơ này không giống như là cảm xúc của một người đang yêu. Nhận xét này đúng. Đó là những sáng tác ra đời khi tôi mới 16-17 tuổi. Tôi tưởng tượng ra một chàng trai, một tình yêu nên đó vẫn là những vần thơ của một cô gái đang chờ đợi tình yêu đầu tiên.
Ngoài thơ ca, hội họa và nhiếp ảnh cũng là sở thích của Chi. Ảnh nghệ sĩ cung cấp. |
- Ca sĩ Tùng Dương nhiều lần tâm sự trên báo rằng, người yêu của anh là một nhà thơ, sinh năm 1987 và đang du học tại Pháp. Miêu tả này trùng hợp với chị. Chị nghĩ sao?
- Cũng có thể có một nhà thơ nữ người Việt, sinh cùng năm đó và hiện du học tại Pháp mà tôi không biết. Tôi không quá phiền lòng lắm với điều này vì tôi không quan tâm đến những tin đồn. Tôi cho rằng chúng thường chỉ mang tính tạm thời và sẽ không tồn tại lâu dài.
- Vậy còn nhân vật tên Dương thường xuyên xuất hiện lặp đi lặp lại trong các truyện ngắn của chị?
- Đơn giản là tôi thích cái tên đó. Đó là một cái tên hay. Hơn nữa, tôi có thói quen ấn định cho các nhân vật của mình một số cái tên nhất định. Những nhân vật trong tương lai của tôi có thể vẫn mang tên Dương hoặc một cái tên nào đó khác. Vì nhà văn thường không biết trước nhân vật của mình sẽ là ai, làm gì khi tác phẩm chưa hình thành.
Lưu Hà thực hiện